Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Đại khái Berlin

Mình đang vật vờ vì thiếu trà
Đầu đề bài viết này mình „thó“ của bác Lê Huy Mậu khi bác ấy viết về chuyến du ngoạn Berlin. Nhà thơ Lê Huy Mậu là tác giả bài thơ mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng. Bài hát mà trong thâm tâm của mình xem như là „Quốc Ca“ của người Việt xa xứ.

Sau khi biết được bác Lê Huy Mậu sang Đức khi đọc „Berlin đại khái“ của bác ấy, mình gọi điện thoại cho thằng Trịnh Quốc Dũng hỏi, mi với anh Tạo tình như thủ túc, mi đã từng ngồi nhậu tỳ tỳ với anh Mậu không ít lần, vậy mà anh Mậu sang Berlin, sao mi để ảnh „lạnh buốt tâm hồn“ rứa. Thằng Dũng ấp úng, anh ấy sang Berlin lúc nào em cũng không biết, mãi sau khi anh ấy đã về Balan, em gọi điện thoại hỏi, anh ấy mới nói vì đi đột ngột, lại để quên điện thoại của em ở Balan nên không gọi được. Mình lại hỏi, nghe nói dân văn nghệ ở Berlin chiến lắm mà, sao tiếp anh ấy chỉ có một cựu cầu thủ bóng đá thôi vậy. Thằng Dũng lại càng ấp úng, em cũng không biết nữa. Mình bực, mắng thằng Dũng, mi là Berliner mà, bác ấy nói Berlin đại khái, chả oan tý nào....

Cuối tuần rồi, mình có kế hoạch đi Berlin để „điều nghiên“ về việc di dời sự nghiệp riêng về đó. Mình bận nhiều việc, lại không thích đi đây đó, nên lúc có việc đi đến vùng nào, thường hay có thêm mấy quả kết hợp. Kế hoạch đi Berlin đã sắp xếp từ hai tuần trước, vì vậy việc chèn thêm kế hoạch phụ ít bị thụ động:
- Nhân tiện vợ chồng Oliska đi hưởng tuần trăng mật từ Hà Lan ghé lại Đức thăm mình, và muốn tận mắt xem bức Đồi Dã Quì, bức tranh mà mình có cảm hứng từ chuyện của cha con nó làm ra. Nên mình hẹn gặp ở Berlin luôn thể, vì bức Đồi Dã Quì đã bán cho một tay chơi tranh đang cư trú ở Berlin.
- Gặp thằng Dũng, bàn với hắn về dự án „Sách Cho Nông Thôn“ của Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức.
- Hẹn gặp với Tổng biên tập một tờ báo điện tử đang ăn khách của cộng đồng người Việt ở Đức. Đồng thời hẹn gặp một số văn nghệ sĩ quen biết để kiểm chứng cái cảm giác „Berlin đại khái“ của bác Lê Huy Mậu như thế nào.

Công việc chính được giải quyết một cách nhanh gọn. Vì những người „chủ mới“ của mình là những nhà đầu tư thứ thiệt. Nhanh, gọn, rõ ràng, thuyết phục. Chỉ còn tồn tại một vấn đề nhỏ là vấn đề dây dưa tình cảm của mình. Mình có đủ can đảm dứt khoát cái rụp, để từ giã Hamburg hay không mà thôi.

Cùng hát lên nào lời tình tha thiết
Điều bất ngờ là trong cuộc gặp mặt này, mình được gặp gỡ và trò chuyện với một thanh niên trẻ. Một Tiến sĩ Kinh Tế người Việt đại diện cho Chính phủ Đức, trong việc viện trợ cho Việt Nam một dự án môi sinh có giá trị đến nhiều tỷ Euro. Nhiều đến mức mà, mà mình thử làm một phép tính, thì thấy, nếu số tiền đó được tính bằng đồng bạc 1 Euro, thì số lượng đồng 1 Euro đó có thể phủ đầy hai lần trên toàn lục địa Trái Đất, và nếu chồng lên nhau có thể vượt khỏi chiều cao từ mặt đất đến mặt trăng. Nhưng không phải là vì giá trị của dự án viện trợ ấy làm mình bất ngờ. Điều gây cho mình sự bất ngờ là anh bạn Tiến sĩ trẻ này, không nói chuyện về thời sự thế cuộc, mà chỉ say sưa nói về sự huyền diệu của Mật Tông Phật Giáo. Đây cũng là lần đầu tiên mình ngồi lắng nghe một người nhỏ hơn mình nhiều tuổi diễn nghĩa cho mình về Đạo Pháp và chữ Hán, hai vấn đề mà mình đã thâm nhập vào thế giới của nó khi anh ta chưa ra đời. Không phải vì mình lắng nghe sự uyên bác của anh ta, mà là lắng nghe sự tĩnh thức trong tâm hồn của giới trẻ.

Lắng nghe để biết mình đã quá già cỗi, đã quá khô cằn, không còn đủ sự tinh tế và nhạy cảm để tiếp nhận, để đương đầu với cuộc đời đã vùn vụt đổi thay này rồi. Lúc khuyên mình di dời về Berlin, nghĩa huynh mình có nói: „Sự dũng mãnh của một tráng sĩ là biết đối đầu với cuộc đời, và tìm cách để ngự trị nó, chứ không phải là sự hiểu biết và khả năng tránh nó như một mánh khóe để tồn tại, sự an nhiên của một đời người có được là lúc đã ngang nhiên vượt qua giông tố, chứ không phải chui vào cái vỏ ốc để ru ngủ mình trong những giấc mơ…“

Nếu cảm xúc đã cạn kiệt, thì sự tinh tế và nhạy cảm cũng không còn. Tuổi trẻ đã lùi xa, thời gian không thể nào lấy lại được nữa. Liệu sự hùng tráng dũng mãnh có còn không để chui ra khỏi cái vỏ ốc mà đương đầu với một bước ngoặt mới của cuộc đời. Chỉ còn lại một con đường duy nhất là „khăn gói quả mướp“ đi tìm bọn trẻ mà học hỏi lại trường đời mà thôi.

Bởi vì lẽ đó, mà khi gọi điện hẹn gặp với Trịnh Quốc Dũng. Dũng bảo, tối nay em bận tổ chức cho buổi gặp mặt Noel của Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Berlin - Potsdam, anh có rảnh thì đến dự và đợi em luôn. Mình đồng ý ngay. Đồng ý ngay, mặc dù đã hàng chục năm nay, mình luôn từ chối những cuộc tiệc tùng, dạ hội... và không còn quen với chỗ đông người.

Có thể là đã quá lâu, mình không đi dự tiệc, nên háo hức với buổi tiệc này mà đến sớm chăng. Vì lúc mình đến nhà hàng Bông Sen, thì chưa có ai đến, ngoại trừ Nguyễn Hữu Đức, chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức, Trịnh Quốc Dũng, vài người khác và đại diện của chủ nhà hàng đang đến bàn giao đại sảnh.

Ngắm nhìn cơ ngơi khang trang và cách bài trí gọn gàng, nhã mắt cho buổi họp mặt, mình hỏi Dũng, chà, thuê được chỗ tổ chức hoành tráng nhể. Dũng cười khà khà, là mượn thôi, chứ bọn em có tiền đâu mà thuê. Mình nói, thời buổi này mà cũng có người cho can đảm cho bọn em mượn cả một cơ ngơi này „làm loạn“ à. Dũng nháy mắt, anh đừng có nghĩ, người Berlin chỉ có chợ Đồng Xuân thôi nhé, ở đâu cũng có những tấm lòng và cũng có người quí trọng trí thức cả. Mình cười theo Dũng cầu hoà, ok, ok, xin lỗi, xin lỗi, lỡ miệng thôi mà....

Đúng là tuổi trẻ có khác. Như thể quả bom hẹn giờ. Tiếng cười nói, chào hỏi râm ran hòa nhập vào cùng từng tốp các bạn trẻ. Mình sợ bị lạc lõng. Mà chắc chắn sẽ lạc lõng. Nên mình thủ phận, lánh vào một góc hội quán ngồi quan sát.
Ban chấp hành cũ bàn giao công việc cho BCH mới
Không theo thông lệ qui ước nào như kiểu đại hội cuối năm thường gặp. Không rình rang hoa hoè, khẩu hiệu, băng rôn. Cuộc họp mặt của các bạn trẻ sinh viên Berlin và Potsdam khai mạc bằng lời phát biểu của một khách mời đứng tuổi tên là Minh, là đại diện cho nhóm Giáo viên của trường Cao đẳng nghề Đà Nẳng hiện đang lưu trú tại Berlin trong chuyến đi công tác trao đổi nghiệp vụ ở đây. Mình thấy lòng mình thật ấm. Các bạn trẻ vẫn giữ truyền thống hiếu khách và tôn trọng người lớn tuổi. Mình cảm thấy lòng mình ấm lại cũng một phần chủ quan là do người phát biểu khai mạc nói giọng Huế, và là một cô giáo dạy nghề. Vì mình trưởng thành ở Huế và mình cũng đã từng là một giáo viên dạy nghề.

Sự năng đng của tuổi trẻ, chưa hẳn là chỉ thể hiện ở sự sôi nổi, đầy nhiệt huyết của họ mà còn thể hiện trong cách làm việc của họ. Bản tổng kết đánh giá quá trình một năm hoạt động, bình bầu ban chấp hành chi hội cho nhiệm kỳ mới, đề cương cho hoạt động của năm tới, lời chia sẻ của cựu hội trưởng chi hội Võ Trí Hảo với mọi người, ra mắt BCH mới,... tất cả chỉ giải quyết trong chưa đầy 45 phút. Thời gian còn lại dành cho giao lưu, vui chơi. Sướng.
Xinh rứa hè
Mặc dầu ngồi xa một góc riêng biệt, hầu như không ai để ý tới, nhưng mình cũng cảm thấy mình vui lây cùng với họ. Có lẽ bài học đầu tiên từ tuổi trẻ là làm ra làm chơi phải ra chơi. Khó có thể tưởng tượng được, những cô bé, cậu bé đang hồn nhiên tranh nhau micro hát karaoke kia, những cô bé, cậu bé đang gào lên dzô..dzô 100% như ở không khí của đám cưới Việt Nam kia, họ chính là những con chim đầu đàn đầy nhiệt huyết trong phong trào Cơm có thịt, Sách cho nông thôn... những công việc mang đậm thiện tâm và lòng trắc ẩn của người lớn tuổi.

Mình sẽ ngồi đó mãi cho đến khi tàn cuộc, nếu như họ không dẹp bàn ghế để khiêu vũ. Mình đứng dậy đi ra ngoài. Không phải là mình né sợ tiếng giật đùng đùng của nhạc disco. Mà mình sợ, nếu ngồi lại, không khéo vì vui lây với họ mà mình cũng nhảy ra lắc lư với họ thì nguy. He he.
Vui rứa hè
Mình thả bộ dọc theo đại lộ Alt Friedrichsfelder chờ cho họ tan cuộc. Trời đổ lác đác vài hạt mưa, tuyết đã bắt đầu tan. Mưa thì trong, tuyết thì trắng, nhưng lúc nhòa tan ra dưới đường đi thì trở thành một màu nước nước đen kịt nhớp nháp. Ngày hôm sau lúc cùng Trịnh Quốc Dũng đi gặp gỡ với Tổng biên tập một tờ báo điện tử và một vài nhân vật văn nghệ Berlin khác trở về, mình đem ý nghĩ đó nói với Dũng. Hắn cười cười nói với mình, cái gì tan ra mà chẳng nhớp nhúa khó chịu, bởi vậy, đừng có trong quá, trắng quá, lúc tan ra như tuyết rồi lại thất vọng.

Chỉ đến nghe Dũng nói vậy, mình mới thấu hiểu vì sao bác Lê Huy Mậu có cảm giác „Berlin đại khái…“ khi ghé thăm thủ đô đất nước của Goethe, Heinrich Heine, Bach, Hegel, Einstein,....

Thuận Nghĩa (Hamburg)

Một số hình ảnh của buổi hội ng (CLB Nhiếp ảnh, Chi hội LHS Berlin - Potsdam)
Đội tuyết tham dự Weihnachtparty

Phát biểu của Võ Trí Hảo - cựu chủ tịch Hội


Phát biểu của chị Minh, đại diện trường CĐ nghề Đà Nẵng

Tâm sự

Dặn dò

Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh

Thăng hoa
Cảm xúc

Lắng đọng

Chân thành

1, 2, 3 ta cùng dzô. He he...

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hoa ra la anh ngoi o goc do.. vua den em de y ngay. thay cu ngoi quan sat dang khong biet la doi tuong trong pha nao.. ke ke. Mai choi roi cung quen hoi chuyen luon.

Thuy