Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Vài kỷ niệm về ngày nhà giáo



“Đò ai chở khách sang sông
Tình còn trở lại hay không hỡi người
Đò tôi tình của một đời
Bến thương neo đậu tình người đi xa”
Không biết tự bao giờ, hình ảnh những người thầy giáo, cô giáo lại được ví với người lái đò thầm lặng. Điều này có lẽ xuất phát từ đặc thù của nghề giáo. Đó là truyền thụ kiến thức cho những thế hệ học sinh, để rồi mai này họ hòa mình với dòng đời nhiều vần xoay của tạo hóa. Những học trò thân yêu đó cứ thế, hết lớp này đến lớp khác, năm này qua năm khác, bao gương mặt cũ qua đi, bao gương mặt mới lại đến… Giống như những khách qua đò. Như những đợt sóng của bao la biển cả. Còn người lái đò thì vẫn cặm cụi bên bến sông thanh bình, với công việc thường ngày của mình, để làm “nhịp cầu nối những bờ vui” cho mọi người.

Tuổi học trò của tôi giống như bao nhiêu người khác. Học hành tạm được, không kém quá và học đều các môn. Cũng nghịch ngợm, có niềm vui nỗi buồn, bị hạ bậc hạnh kiểm, rất nhút nhát và hay bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc. Nhiều khi nghĩ lại không hiểu sao hồi đó tôi lại nhút nhát đến thế. Hơi một tí là mặt mũi đỏ bừng như quả cà chua chín. Lúc đó thì chả còn làm được cái gì cho nên hồn, nói năng ấp a ấp úng, thật không giống với cái tên chút nào cả. Ấy thế mà không hiểu vì sao có lần tôi cũng cả gan đứng trước đám bạn bè trong lớp để hát bài “Bướm trắng”, phổ từ bài thơ “Cô hàng xóm” của Nguyễn Bính. Ấn tượng về giáo viên những năm tiểu học và trung học trong tôi không nhiều, cũng phần vì tôi nhút nhát quá. Duy chỉ hai người là để lại trong ký ức thơ dại của tôi hồi đó nhiều cảm xúc nhất: cô D. và thầy T. Thầy T. dạy sinh và dạy rất hay. Thầy biết cách truyền đạt cho học sinh hiểu bài bằng những ví dụ thú vị và thông minh. Tôi nể phục thầy thêm ở chỗ là thầy đã truyền được cảm hứng về môn học cho học sinh, dù cho môn học của thầy không phải là môn để thi chuyển cấp nên chúng tôi hay học theo kiểu đối phó. Sau này khi đứng trên bục giảng bài cho những sinh viên đại học, tôi mới thấy cái việc truyền được cảm hứng học tập cho họ thật là khó biết bao. Phần vì thầy còn trẻ mà trò còn dại nên đôi khi cũng khó mà trao đổi và hiểu mọi sự được hết… Về sau, tôi được biết thầy T. đã làm việc gì đó phi pháp và vướng vào vòng lao lý rồi nghe nói thầy chuyển nghề khác. Kể từ đó tôi không còn có tin tức gì của thầy nữa.  

Cô D. dạy toán, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi. Ngay từ đầu, cô đã biết tôi là em của anh trai tôi, từng là học sinh giỏi nhất của cô. Chao ôi, khi ấy tôi mới thấy làm em một người nổi tiếng khổ như thế nào. Lúc đó tôi học thuộc loại trung bình, người thì gầy gò hom hem chả có gì nổi bật, cũng không có năng khiếu gì hay ho. Cô thì cứ tưởng là em của một người học giỏi nhất, chắc là học hành cũng phải thuộc loại “cao thủ võ lâm”, không nhất thì nhì. Nào ngờ lại gặp ngay một kẻ “văn dốt võ dát” và bất tài vô dụng. Thôi chả kể nữa đâu, xấu hổ lắm…Hi hi. Cô D. giảng dạy nhiệt tình và chu đáo với học sinh, đặc biệt là cô chăm chút rất cẩn thận giáo án của mình mỗi khi lên lớp. Cô có một quyển vở to đùng mà lúc nào cũng mang kè kè bên mình (chắc là sợ mấy đứa học trò chúng tôi nghịch ngợm làm hỏng nó đấy mà). Khi giảng bài, có những công thức nào khó nhớ là cô tra lại quyển vở đó cho chắc ăn, rồi sau đó mới viết lên bảng. Thú thực tôi không thích học môn của cô lắm, không phải vì cô dạy không hay mà tôi chẳng thấy mấy công thức toán có gì thú vị cả. Vừa khô khan vừa khó nhớ, trong khi tâm trí của đứa học trò nhỏ là tôi đang còn mơ màng tới những trò chơi và hàng quán sau giờ tan lớp. Thành ra, mỗi lần cô kiểm tra bài cũ là tim tôi rụng rời, chỉ sợ cô gọi đến tên mình. Vậy mà rất lạ là dù không được điểm cao môn toán trong thời gian này nhưng tôi không bị mất gốc nhiều lắm về những kiến thức cơ bản, đủ để vượt qua kỳ thi chuyển cấp một cách ngon lành. Có lẽ vì thế mà đến khi vào cấp 3, toán là một trong những môn tôi học tốt nhất. Nổ một phát cho sướng. He he.   

Tôi vẫn còn nhớ hoài hình ảnh của cô trên chiếc xe đạp và hàng ngày đi từ bên kia cầu Long Biên sang bên này để giảng bài cho mấy đứa học trò nghịch ngợm như lũ chúng tôi, bất kể trời mưa hay nắng. Cái dáng “lặn lội thân cò” ấy dễ khiến cho người ta đắng lòng. Cô D. là một người tiêu biểu cho hình ảnh người giáo viên tận tụy hết lòng với học sinh. Cô thường dạy thêm cho mấy đứa học sinh cá biệt và học kém (rất may là không có tôi) cho tới khi tụi nó hiểu được bài mới thôi. Không bao giờ cô lấy tiền thù lao cả. Viết đến đây, tôi sực nhớ tới mấy cảnh thầy cô giáo đánh đập học sinh, bắt học sinh liếm bàn ghế rồi học sinh hành hung thầy cô, nghĩ mà rầu lòng về mối quan hệ giữa thầy và trò bây giờ. Cố nhiên, những trường hợp mà báo chí đã nêu (thời nào cũng có, chỉ khác nhau mức độ của sự việc) không bao giờ là đại diện cho cả một tầng lớp những nhà giáo đang hàng ngày đứng trên bục giảng cả, nhưng đối với những người trong nghề, mỗi một lần đọc những tin tức kiểu đó trên báo và chứng kiến những lời phàn nàn, chửi bới, nhiếc móc của người dân, luôn mang tới cho họ sự xót xa và nhức nhối.

Đối với cô, mấy đứa học trò chúng tôi luôn coi cô như người mẹ thứ hai của mình. Năm nào mấy đứa chúng tôi cũng qua thăm cô. Tiếp chúng tôi, cô luôn nở nụ cười rất tươi nhưng tôi thì đã nhìn ra những sợi tóc bạc và những nếp nhăn hằn in trên vầng trán và khóe mắt vì lo âu công việc, vì gia đình và con cái của cô. Bao nhiêu năm rồi mà vợ chồng cô và hai đứa con vẫn ở căn nhà nhỏ vốn là trụ sở một cơ quan của bộ công thương. Những lần đến thăm cô, tôi cứ hay trêu đùa tếu táo về những khó khăn trong công việc (mà tôi thừa biết) cốt để cho cô vui hơn, đặng xóa đi những nét ưu tư và bức xúc của cô với tình hình giáo dục nước nhà. Những năm gần đây, hai con cô cũng trưởng thành nên cuộc sống của cô chắc đỡ vất vả hơn. Con gái cô giờ cũng đã tốt nghiệp đại học. Những lần sang thăm cô, tôi thường thủ thỉ: “Cô ơi, cô gả em T. cho em nhé”. Cô chỉ cười và nói: “Mày tán nó đi. Gả cho mày đấy”. Nói thì nói vậy thôi, chứ ai có thể đùa với chuyện trăm năm được, cô nhỉ? Kể từ ngày đi học xa nhà, tôi không có dịp đến thăm cô nữa vào ngày 20 tháng 11. Ở nơi xa, tôi vẫn thầm cầu chúc cho cô và gia đình mạnh khỏe và mọi sự bình an.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Phải đi qua một quả núi, ta mới thấy hết được độ cao của nó”. Có khổ đau mới thấm thía giá trị của hạnh phúc, có xa xôi mới thấy nhớ nhung, có đắng cay mới biết quí trọng ngọt ngào, đó là những triết lý sống mà phải trải qua thăng trầm dâu bể của cuộc đời, con người ta mới có thể thấu cảm được. Quả thật, ngẫm lại mình, những điều gieo lại trong tâm hồn tôi không phải là những công thức toán lý khô khan mà lại là những câu chuyện kể, áng văn hay, câu thơ đẹp và những bài học nghĩa nhân ở đời. Phần lớn nó xuất hiện trong những cuốn sách mà tôi được đọc khi đó, dù còn rất ít ỏi. Chính chúng đã dạy cho tôi biết thương nguồn nhớ cội, biết phân biệt phải trái và góp phần nuôi dưỡng tuổi thơ tôi cho đến khi trưởng thành.  

Những lần gặm nhấm màn đêm hoài cảm bên ngọn đèn lặng thầm hiu hắt, tôi chợt bâng khuâng nhớ lại những ngày đến lớp, được gần gũi đùa vui với bạn bè, hít hà mùi khói thơm lừng từ bát bún sườn nóng hổi giữa cái lạnh mùa đông trong những hàng quà sáng rồi trở thành những tên chúa Chổm, được nhấm nháp vị đăng đắng ngọt ngào của những cốc bia hơi giữa trưa hè oi bức hay chỉ một chút khe khẽ xốn xang trước một bóng áo dài vô tình đi qua trong chiều tím. Tôi thấy lại trong những tháng ngày vô tư hồn nhiên đó vị dư ba dạt dào nồng men của một thuở trinh nguyên học trò mà có lẽ không bao giờ tôi có thể tìm lại được nữa. 

Thực ra, bản thân tôi không hề chủ ý chọn nghề dạy học, vì tôi không có mục đích từ đầu đến với nghề như một kế hoạch dài hạn. Vậy mà Trời run rủi thế nào lại dẫn tôi tới cái nghiệp này. Đúng hơn là ông Trời đã thương cái thân tôi. Nghĩ lại tôi thấy mình thật may mắn được làm nghề dạy học, vì nó đã cho tôi rất nhiều thứ. Tôi được tiếp xúc với những thầy cô và đồng nghiệp đáng kính, được gặp gỡ những học trò dễ thương và giàu nhiệt huyết, được biết thêm những miền đất và văn hóa mới thông qua những chuyến đi, từ đó biết mình còn kém cỏi và nông cạn để mà tự phải cố gắng vươn lên. Tôi học thêm nhiều điều mới mẻ từ công việc nghiên cứu vốn giàu tính khai phá mà không phải nghề nào cũng có được. Đó là niềm vui tuyệt đối mà chính nghề giáo đã mang lại cho tôi.

Ngày nhà giáo là một nét văn hóa giàu bản sắc và ứng xử rất đẹp của dân tộc ta. Nó xuất phát từ truyền thống tôn sư trọng đạo, khát khao hiểu biết của người dân Việt và được thể hiện thông qua một ngày mà toàn xã hội tôn vinh những nhà giáo (một ngày khác nữa là mồng 3 Tết âm lịch). Tôi đã từng kể về ngày này với những đồng nghiệp và một số người bạn ở Đức, họ đều tỏ ra ngạc nhiên và rất thích thú với truyền thống này ở Việt Nam. Nước Đức cũng là một đất nước rất coi trọng tri thức và văn hóa. Nói như thế để thấy rằng, tri thức luôn luôn là trụ cột phát triển của bất cứ nước nào trên thế giới, kể cả những quốc gia tiên tiến nhất. Vinh danh những người giáo viên cũng là coi trọng tri thức, vì họ là những người dấn thân cho sự nghiệp khai sáng như tinh thần của nhà ái quốc vĩ đại Phan Châu Trinh cách đây hơn một thế kỷ. Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam, xin kính chúc các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc sức khỏe dồi dào, công việc hanh thông và luôn giữ được ngọn lửa nhiệt tình với khoa học và giáo dục nước nhà.

Trịnh Quốc Dũng

Không có nhận xét nào: