Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Silent Night

Silent Night (Đêm yên tĩnh) là ca khúc về Giáng sinh được thu âm nhiều nhất mọi thời đại. Silent Night đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng và được hát lên ở rất nhiều nơi trên khắp thế giới, từ những nhà thờ bé nhỏ nơi làng quê xa xôi cho đến những thánh đường hoành tráng nơi phồn hoa đô hội.

Một đêm yên tĩnh. Ngoài kia những bông tuyết lất phất bay lúc mờ lúc tỏ. Chỉ  anh ngồi một mình với ngọn nến dở dang cháy vội, âm thầm nhìn cái bóng hắt trên bức tường khuya. Kìm nén và hụt hẫng. Nồng nàn và giá băng... Anh lại nghĩ về Em... Không biết làm gì cả, anh nghe đi nghe lại bài hát Silent Night, mong tìm thấy một nỗi niềm tĩnh tại như thế. Em, anh đang rất nhớ Em, Em có biết hay không?

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Hà Nội ngày trở về

Nhạc: Phú Quang
Lời: Thơ Thanh Tùng
Biếu diễn: Ngọc Tân

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Bát mỳ của lòng tự trọng

Nhà thơ người Canada - Irving Layton (1912-2006)
Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.
 

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: "Cho hai bát mì bò!". Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.
 
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội". Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.
 
Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt". Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này". "Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ".
 

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò." Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng". Cậu con trai không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.
 
Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng.

Ta vẫn gặp trong cuộc đời nhiều người rất nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng giúp ta có thêm nghị lực để ngẩng cao đầu, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, sống hạnh phúc vì luôn vững tin vào chính mình. Lòng tự trọng với ánh hào quang chói lọi của nó sẽ trở thành lương tri con người
  

Irving Layton

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Kính gửi nhà thơ Đặng - Trần


Bài thơ này tôi viết cách đây cũng đã khá lâu, để cảm tạ tấm lòng của hai người thầy của tôi, hai tâm hồn thi sĩ Đặng - Trần khi họ tặng tôi tập thơ in chung "Tri âm". Sắp tới ngày nhà giáo Việt Nam (20.11), tôi post bài thơ để nhớ lại một kỷ niệm đẹp về tình thầy trò. Xin dùng entry này mến chúc các thầy cô giáo trên mọi miền đất nước tiếp tục sự nghiệp trồng người đầy vinh dự và thách thức, xứng đáng là điểm tựa tinh thần, là những "người lái đò thầm lặng" của nhân dân...
---------------------------------

Thơ - Người tôi mới đọc xong
“Tri âm” nóng hổi vẫn cầm trên tay
Đọc Thơ mà thấy lòng say
Tình ai gửi đến nhận đầy tình ai

“Cỏ lau” sao vẫn vẫy hoài
Để tôi mãi nhớ thương người “Nắng quê”
Giọt thu rớt tím bờ đê
Chăn trâu cắt cỏ lối về “Hoa sim”

Tìm em như thể tìm chim
Không em phải ngắm trăng suông một mình
“Võng Lan” có biết cho tình
Thi nhân chở gió tìm hình trăng trôi

“Xế chiều như quả táo rơi”
Hồn thơ “Lắng đọng” cõi người tài hoa
Dù cho bão táp mưa sa
Kim - Lan tình thắm nghĩa đà đậm sâu
“Chiêm bao” chẳng lọ sang giầu
“Đơn côi” “Một chút” bạc đầu ai ơi !

Dẫu đời lắm lúc chơi vơi
Cũng xin đừng để tiếng cười vút bay
“Nhắn ai” “Mong” gặp có ngày
Rượu - Thơ nghiêng ngả cho say tâm tình…


Ngày đầu xuân năm 2008
Kẻ hậu sinh họ Trịnh

-------------------------------------------------------
Những chữ trong dấu " " là tên những bài, câu thơ trong tập thơ "Tri âm" của hai tác giả Đặng - Trần

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Chí làm trai


Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
--- Nguyễn Công Trứ ----

Chim bằng tung cánh vượt trời Đông
Đạp gió sang Tây rực nắng hồng
Nam bắc tung hoành cho thỏa chí
Trai hùng há chịu cảnh ngồi không
Cơ đồ gây dựng cần nhân kiệt
Nhiệt huyết một lòng với núi sông
Giúp nước, giúp đời, nâng dân trí
Mỏi mong đất Việt sớm hóa Rồng

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Có một nhà thơ tên là Trịnh Công Sơn

Chân dung Trịnh Công Sơn. Họa sỹ: Ba Tỉnh
 "Ta mang cho em một đóa quỳnh/Quỳnh thơm hay môi em thơm..", một kẻ giang hồ bước vào khu vườn thơm cỏ lạ đầy đam mê và ngây dại. Sau đó thì hắn biết rằng "Môi nào hãy còn thơm/Cho ta phơi cuộc tình/Tóc nào hãy còn xanh/Cho ta chút hồn nhiên" khao khát và tinh khôi. Tuồng như còn chưa đủ " Mười năm xưa đứng bên bờ dậu/Đường xanh hoa muối bay rì rào", hắn lang thang cùng với "Lùa nắng cho buồn vào tóc em/Bàn tay xôn xao đón ưu phiền" để rồi bàng hoàng chợt nhận ra "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ/Ôi những dòng sông nhỏ/Lời hẹn thề là những cơn mưa". Tuyệt vọng và buồn chán, hắn rẽ ngang vào một gốc cây nhỏ trong vườn, gọi một tiếng chim làm bầu bạn, hái một chiếc lá để tơ vương, soi mình dưới làn nước xanh trong và lặng lẽ thấy rằng "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/Để một mai tôi về làm cát bụi" và "Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/Rọi suốt trăm năm một cõi đi về". Cũng đành phải vậy thôi, vì khu vườn mà hắn đi vào chính là vườn Thơ của một thi sĩ tài hoa, người nghệ sỹ mang tầm vóc thế kỷ - Trịnh Công Sơn.

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Cỏ và mưa

Nhạc: Giáng Son
Lời: Thơ Nguyễn Trọng Tạo
Ca sỹ: Năm dòng kẻ
 

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

Tặng H.


Chợt một lần em điện thoại cho tôi:
“Anh viết tặng em một bài thơ nhé!”
Lời đề nghị làm tôi bối rối
(Vì tôi đâu có phải là nhà thơ)

Viết gì đây gửi tặng em bây giờ
Người em nhỏ mới một lần tôi gặp
Chỉ liếc nhìn nhau lặng thầm qua ánh mắt
cũng đủ làm xao động trái tim khô

Tôi biết rằng em có một tuổi thơ
Nắng xạm đen mặn mòi pha cát trắng
Tiếng đêm ùa về trong giấc mơ xa vắng
Dáng mẹ hiền bên nhịp võng ru con

Có lúc nào trong nỗi nhớ xa xôi
Em sẽ trở về bên khu vườn nhỏ
và vui đùa với cánh diều lộng gió
hoặc một lần gặp lại bến nước xưa

Chỉ ước mong tôi làm anh họa sỹ
Vẽ tặng em một bức chân dung
Nhưng hỡi ôi! làm sao tôi họa nổi
khi chân dung đâu thiếu được hai phần

Dẫu rằng tôi chẳng thể là thi nhân
Nên không viết được những điều to tát
Đành thầm nói với em một lời rất thật:
“Tâm hồn anh hóa đá
                           khi cầm bút viết về em!”

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Mạng chó và mạng người


Chó con dễ thương. Nguồn: Kiến thức ngày nay
Chó có lẽ là loài động vật được con người thuần chủng sớm nhất trong nhóm lục súc. Đây là loài vật thông minh, trung thành với chủ nuôi và giúp ích rất nhiều cho con người. Vì thế mà ở các nước phương Tây, người dân coi chúng như những người bạn, là thành viên trong gia đình. Khi chú chó cưng bị đau ốm, người ta cũng cho chú đi khám ở bệnh viện dành cho chó. Chó cũng được đóng bảo hiểm sức khỏe. Khi chú chẳng may bị chết, người ta chôn cất chú rất cẩn thận và có cả bia mộ dành cho chú nữa.

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Nhân ngày thành lập ngành, đôi dòng cảm nghĩ

Biểu tượng của Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh
Hôm nay (01.10.2010) là một ngày đặc biệt đối với bản thân tôi, vì đó là ngày kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Nhiệt - Lạnh và 10 năm thành lập Viện khoa học và công nghệ Nhiệt - Lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhớ lại thời còn là sinh viên, sau khi được biết sẽ vào học ngành này, tôi đã từng có lần tựa cửa khóc thầm vì không đúng ngành học mà mình đã đăng ký từ đầu. Về sau, khi đã trở thành người làm việc trong lĩnh vực nhiệt - lạnh, có dịp suy nghĩ lại những chặng đường đã qua, tôi chợt nhận ra rằng, có lẽ ngành nhiệt là một cái “duyên tiền định” đối với tôi vậy. Khi mà các đồng nghiệp và bè bạn ở quê nhà đang mừng vui tổ chức ngày lễ trọng đại của ngành thì có một kẻ lạc loài là tôi vẫn phải tiếp tục “chiến đấu” với công việc hàng ngày ở một nơi lạnh lẽo và khô hanh thế này. Thành ra, tôi muốn viết một vài suy nghĩ của mình về ngành như là một cách ghi nhật ký cá nhân và nhân đây giới thiệu với các bạn lịch sử hình thành và tình hình phát triển của ngành nhiệt - lạnh tại Việt Nam.

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Phát hiện một bài thơ Hàn Mặc Tử

Tình cờ trên một tờ báo rất cũ mà một bạn đang đọc tại thư viện, tôi thoáng thấy bài thơ này, do nó gắn với tên tác giả Hàn Mặc Tử. Có cảm tưởng như bài này chưa nằm trong số thơ ca Hàn Mặc Tử được tìm lại in lại trên sách báo vài chục năm trở lại đây. Tức là đây có thể là một bài thơ mới phát hiện được của Hàn thi sĩ. Phải chăng là như vậy?

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Nghiệp cầm ca



Đa đoan cái kiếp cầm ca
Ồn ào tiếng nhạc phòng trà đêm đêm
Bụi trần đã nhuốm thân em
Vô loài ca xướng miệng đời trách chê
Thương vay khóc mướn thảm thê
Liêu trai giọng hát tái tê cõi lòng
Màn nhung hờ hững vội buông
Mình em quạnh vắng nỗi buồn trĩu vai
Nỗi niềm biết tỏ cùng ai
Trăng tàn hoa tạ phố dài đơn côi

Nghiệp cầm ca bấy nhiêu thôi
Mang thân kỹ nữ liệu trời có thương?

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

1000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha
NTT: Nguyễn Thụy Kha như một từ điển sống về ca khúc Việt. Mỗi lần hỏi anh bất ngờ về một ca khúc xa xưa nào đó, anh đều đọc vanh vách lời ca và có thể hát lên ngay lập tức. Anh đã tuyển chọn nhiều tập ca khúc, và lần này, anh cho ra mắt tuyển tập “1000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội”. Dưới đây là cuộc phỏng vấn anh về cuốn sách đó, do nhà báo Vũ Quỳnh Trang thực hiện.

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Tùy bút Băng Sơn

Băng Sơn là một trong những nhà văn có nhiều bài viết về Hà Nội và văn hóa Việt, và cũng là một trong số ít người có những bài viết cực hay về Hà Nội. Tùy bút Băng Sơn giàu chất thơ, đầy tình yêu, mến thương với Hà Nội. Có lẽ ông sinh ra để viết Hà Nội. Tôi còn nhớ những lần đi học, được đi dưới những con đường rợp bóng cây xanh như phố Bà Triệu, phố Huế, đường Phan Đình Phùng, đắm mình trong hương thơm của hoa sữa ven đường Nguyễn Du, lang thang bên hồ Hoàn Kiếm như tìm hình bóng một mỹ nhân bỏ quên chiếc trâm cài trên bờ cỏ rối, hồi cổ một ký ức xa xăm trong những lần dạo mát quanh hồ Tây, xuýt xoa hít hà khi ăn một bát phở nóng, chạm nhẹ vào những hạt mưa bụi lất phất bay như lời tự tình đôi lứa hoặc là cơn gió lạnh đầu mùa chỉ khiến cho ai đó quàng thêm một chiếc khăn ấm khi đi ra đường,... Hà Nội vẫn còn những vẻ đẹp như vậy. Không phải là vẻ đẹp rực rỡ, tươi mát như Sài Gòn, không e ấp, trầm mặc như Huế và cũng không rắn rỏi, trẻ trung như Đà Nẵng. Hà Nội là một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của một người con gái duyên dáng và khéo léo, mà chỉ cần một chút trang điểm nhẹ nhàng trên khóe mắt bờ mi đã đủ khiến cho người đàn ông không thể hững hờ. Vẻ đẹp như thế được nhân lên rất nhiều lần dưới ngòi bút tài hoa của Băng Sơn.

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Con sông quê hương


Thuyền ngược hay là thuyền xuôi
Thuyền đi về Nghệ cho tôi theo cùng
              --- Ca dao ---

Cao xanh sao khéo tạo con sông
Bên đục bên trong nước một dòng
Óng ánh lụa tơ ngàn sóng tỏa
Thuyền thơ chở khách thả hồn trong
Ngọt ngào bên sông bài ví dặm
Chạnh nhớ người em dáng lưng ong
Bến cũ Lam giang còn vang bóng
Để người quân tử mãi hoài mong

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Điêu khác động của Peter Jansen


Nhà điêu khắc Peter Jansen
Peter Jansen là nhà điêu khắc đi tiên phong và thành công nhất trong lĩnh vực điêu khắc động tại Hà Lan hiện nay. Theo thông tin từ trang web batinh.com, cách đây 20 năm, sau khi quan sát những thước phim quay chậm, Peter Jansen đã phát hiện ra hình ảnh chuyển động còn đọng lại trong trí nhớ bỗng hiển hiện thành những pho tượng kỳ ảo. Những hình ảnh người đang thực hiện động tác múa dẻo, tập võ, đá bóng, chạy, nhảy… Những hình khối cơ thể đang chuyển động, nếu đột ngột dừng lại thì theo quán tính nó vẫn còn có những chuyển động kết nối sau chót. Khối hình chuyển động sau cùng ấy chính là ngôn ngữ điêu khắc độc đáo mà Peter Jansen nhắm tới để thổi hồn vào thành tác phẩm của mình. Và ông đã thật sự thành công trong khám phá độc đáo này. Bởi vậy, Peter Jansen đã chuyên tâm sáng tác theo ý tưởng này để cho ra đời những tác phẩm điêu khắc theo phong cách riêng của ông.

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

All for Love

Ca sỹ Michael Bolton. Nguồn: Wikipedia
Michael Bolton là một trong những giọng ca vàng của thế giới những thập niên 80 và 90 thế kỷ trước. Những bản rock-balad của anh luôn gây ấn tượng rất mạnh với người nghe. Như thôi miên, như hút hồn những người yêu nhạc trên khắp thế giới. Bài hát đầu tiên mà tôi nghe anh hát là "When a man loves a woman" khi còn là cậu học trò ngồi học dưới mái trường cấp 2. Ở lứa tuổi đầy mơ mộng và lãng mạn của thời đó, cái cảm giác được trộm nhìn một ánh mắt, một dáng quen, được chờ nhau dưới tán cây bằng lăng hay chỉ là một phút xao xuyến, nhớ nhung vẩn vơ khi ai đó vô tình lỡ hẹn không kịp đến cũng sẽ luôn khắc ghi, là những kỷ niệm đẹp đẽ mà ta vẫn mang theo suốt cuộc đời. Không sở hữu chất giọng khàn quyến rũ như Bryan Adams, người đã "thiêu cháy" trái tim của biết bao kẻ tình si bằng những bài hát để đời như "Please forgive me", "Everything I do I do it for you", Michael Bolton lại có một giọng hát da diết, sâu lắng, đầy nam tính và rất tình cảm. Nghe anh hát hoặc xem anh biểu diễn, chắc các bạn cũng như tôi đều có cảm giác anh đang hóa thân vào mỗi nhân vật trong bài hát. Hình như anh đang cháy cùng với  tất cả các cảm xúc, hiến dâng niềm đam mê bất tận của mình với âm nhạc, với tình yêu. 

"Những tia sáng đầu tiên đã đến sau màn đêm, để chứng minh rằng tình yêu đang tới, được viết lên những vì sao và trong trái tim anh giữa muôn vàn trái tim...Tương lai trở thành quá khứ khi anh ôm em thêm lần nữa. Anh sẽ có em đến suốt đời...". Đó là "All for Love", bài hát dành tặng cho những người đang yêu...    

 

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Không đề

Niềm buồn cứ đến bất ngờ
Để ta chín đợi mười chờ nỗi vui
Về đâu trăm lối ngậm ngùi
Mưa xưa sũng áo sụt sùi đá rơi

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Nhà văn Bảo Ninh

Nhà văn Bảo Ninh. Tranh sơn dầu của họa sỹ Ba Tỉnh
Biết tiếng nhà văn Bảo Ninh và tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" (The Sorrow of War) qua những bài bình luận trên báo chí và truyền thông. Tôi tò mò muốn biết cuốn sách và tác giả của nó ra sao, mà lại được dư luận đánh giá cao đến vậy. Lang thang đi tìm hiểu, tôi bắt gặp bài viết và bức họa chân dung Bảo Ninh của họa sỹ Ba Tỉnh. Không cầu kỳ, chau chuốt mà rất đỗi chân thành. Đó chính là tấm lòng của những người nghệ sỹ dành cho nhau. Mời các bạn cùng đọc...

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

Bài thơ không tên thứ hai


Ru em ru mãi trong mơ

Hình như em ngủ ngẩn ngơ một mình

Người sao vô cớ lặng thinh

Để lòng ai chạnh, mối tình dở dang

Biết rằng cất bước sang ngang

Tình ơi! xin hẹn gặp nàng kiếp sau

Kiếp này duyên chẳng gặp nhau

Còn tôi ở lại úa nhàu thời gian...

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Thơ Hàn Mặc Tử qua cái nhìn của một chuyên gia tâm thần

"Trăng nằm sõng soải trên cành liễu/Đợi gió đông về để lả lơi", hai câu thơ đã ám gợi tôi khi đọc nó lần đầu. Chỉ có Hàn Mặc Tử mới "nhìn" trăng như thế. "Bây giờ tôi dại tôi điên/Chắp tay tôi lạy khắp miền không gian". Chỉ có Hàn Mặc Tử mới "điên" như thế. Nhưng mà Hàn có...điên thật hay không, kính mời các bạn đọc bài viết sau về thơ Hàn qua "lăng kính" của một bác sỹ tâm thần.

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Nhàn đàm sau mùa World Cup 2010

Nâng Cúp vàng chiến thắng. Nguồn: www.vietgle.vn

Có lẽ chưa World Cup nào mà tôi lại dành sự quan tâm và có nhiều cảm xúc đặc biệt như vòng chung kết năm nay. Chắc tại vì tôi được sống cùng với một người Đức yêu bóng đá nhiệt thành. Năm nay ông ta đã hơn 70 tuổi, vậy mà không bỏ sót một trận bóng đá nào tại vòng chung kết. Ngày nào ông ta cũng kè kè một tờ báo về bóng đá bên mình, lại còn say sưa trao đổi với tôi về chiến thuật, về cầu thủ mà ông yêu mến. Thành ra, với một kẻ chẳng hiểu biết gì về bóng đá như tôi, điều đó là một dạng “mưa dầm thấm lâu” khiến tôi cũng lĩnh hội được dần dần.

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Bâng khuâng


Ngồi buồn chẳng biết làm chi
Lục trong tập sách tìm vài vần thơ

Bâng khuâng nhớ ánh trăng mờ
Nhớ câu lục bát, nhớ bờ sông yêu
Bâng khuâng nhớ mỗi buổi chiều
Mưa rơi nhè nhẹ, yêu kiều mắt nai…
Bâng khuâng nhớ tiếng thở dài
Trong veo bóng nước dáng ai ngại ngùng

Nhớ hoài một khoảng thinh không
Để mơ biển rộng để trông nắng về… 

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Good morning Vietnam

Xin giới thiệu cùng các bạn bộ ảnh về Việt Nam, đã đăng trên tạp chí Vogue (Hàn Quốc). Bộ ảnh này có nhiều phong cảnh rất đẹp của đất nước ta.

Miên man sóng nước...
Câu hò mái đẩy vọng xa nguyệt cầm
Đợi chờ
Biển một bên và em một bên
Vào chùa
Đơn sơ
Biển và em
Tiếng sáo Thiên Thai
Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên/Tôi đã đày thân giữa xứ phiền...
Mái đình làng biển
Hôm nay em đi tỉnh về
Mặt trời lặn bóng cánh buồm đi đâu...
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm...
Nắng nhẹ

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Ai là người đầu tiên đã dịch "Chiều Matxcơva" ra tiếng Việt?

Những người Việt Nam yêu nước Nga, yêu nhạc Nga, không ai là không biết hai tình khúc sâu lắng “Chiều Matxcơva” và “Đôi bờ”. Đó là những ca khúc đã trở thành kinh điển trong suốt nửa thế kỷ qua, chúng nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Nhưng ai là người đầu tiên đã dịch lời của chúng sang tiếng Việt và dịch trong hoàn cảnh nào thì còn rất ít người yêu nhạc được biết.

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Đôi mắt người Sơn Tây

Nhạc: Phạm Đình Chương
Lời: Thơ Quang Dũng
Biểu diễn: Duy Trác

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2010

Khi đàn bà 30

Sau khi đăng lại bài viết: "Khi đàn ông 30", một người bạn của tôi ở phương xa có nhắn tin: "Chỉ thấy nói về đàn ông 30 thôi à? Thế đàn bà 30 thì sao? Tại sao không thấy đề cập đến gì cả?". Ok, không vấn đề gì cả, sẽ có đề cập. Entry này sẽ nói về sự thay đổi tâm lý, tình cảm của người đàn bà 30 so với những năm tuổi trẻ. Bài viết thú vị này là của nhà văn Trang Hạ, một người phụ nữ đầy cá tính.

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Khi đàn ông 30


Cổ nhân có câu: "Tam thập nhi lập" muốn nói đến việc lập thân trong cuộc đời của người đàn ông ở tuổi 30. Tùy từng thời điểm, từng hoàn cảnh mà việc lập thân này của người đàn ông có khác nhau, song tựu trung lại ai cũng muốn có chút "danh gì với núi sông", để truyền lại cho hậu thế.

Thật ra, từ lâu tôi đã có những ý nghĩ về những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của người đàn ông tuổi 30, nhưng chưa đủ sức khái quát thành một bài viết hoàn chỉnh. Hôm nay vào blog của bạn Hien Nguyen (n2bigboy84) được đọc bài viết thật hay của tác giả Trần Ngọc Hưng về người đàn ông tuổi 30. Bài viết đã nói đầy đủ những gì tôi đang nghĩ về đàn ông tuổi 30 trong thế giới hiện đại. Xin cảm ơn tác giả Trần Ngọc Hưng nhiều lắm. Cũng xin cảm ơn bạn Hien Nguyen đã post bài viết. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa bài viết này.

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Bốn câu


Ánh trăng sóng sánh tràn ly rượu
Uống rượu cạn ly, uống cả trăng
Chống chếnh hồn ai say chợt tỉnh
Với lên trăng
sao chẳng xuống gần...

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Trò chuyện với Ngô Bảo Châu

Ngô Bảo Châu là một tài năng toán học của thế giới và rất có thể sẽ đoạt giải thưởng Fields (một trong những giải thưởng danh giá nhất trong toán học) trong nay mai. Ngày còn đi học, toán là một trong những môn học tôi mê nhất, song vì bất tài nên không thể theo đuổi con đường toán học được. Ngô Bảo Châu là người đầu tiên trên thế giới đã giải được một bài toán tồn tại hơn 30 năm qua, bài toán Langlands. Thật tuyệt vời. Thành thật chúc mừng anh!

Trân trọng kính mời các bạn theo dõi cuộc trò chuyện rất thú vị giữa nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt. Cuộc nói chuyện này sẽ giúp cho chúng ta hiểu hơn về sự vất vả, nhọc nhằn, đòi hỏi sự hy sinh cao độ của những người làm khoa học và cũng hiểu thêm tại sao nền khoa học của nước Mỹ luôn ở vị trí hàng đầu thế giới.
------------------------------------
Tôi gặp anh Châu lần đầu vào cuối tháng 1-2010, lúc anh đã nhận lời sang Đại học Chicago làm giáo sư. Trong lần gặp đầu tiên đó, anh Châu đi cùng với hai người bạn chung của chúng tôi ở Chicago; chúng tôi hẹn nhau đi ăn tối ở trong khu Việt Nam. Hôm đó, trời rét đậm. Anh Châu mặc một chiếc áo choàng dài màu đen và đội mũ len; dáng người nhỏ, đôi mắt chắc chắn của người thường xuyên phải đọc và mái tóc đã bạc nhiều. Cảm giác đầu tiên không thể nhầm lẫn khi gặp anh Châu: anh Châu là một người rất giản dị và cởi mở. Trong xe ô tô trên đường vào khu Việt Nam, anh phụ họa đọc thơ với một người bạn.



Hôm đó, chúng tôi không có dịp nói chuyện nhiều. Điều mà tôi nhớ nhất là trong câu chuyện, anh hỏi tôi “Viết văn chắc là khó lắm nhỉ?”. Câu hỏi ấy làm tôi nhận ra có thể không chỉ có tôi thấy khó hình dung về công việc của một nhà toán học như anh, mà ngược lại những người làm toán có lẽ cũng không biết nhiều về công việc của người làm nghệ thuật. Nhưng có thể, toán học và văn học nói riêng, cũng như khoa học và nghệ thuật nói chung, đều chỉ là việc dùng những ngôn ngữ và công cụ khác nhau để mô tả và giải thích thế giới. Và đấy là lí do tôi đề nghị anh Châu cho tôi phỏng vấn anh trong lần gặp sau, với mong muốn rằng việc biết rõ thêm một chút về hành trình công việc và hành trình cá nhân của anh có thể giúp rất nhiều người thuộc các lĩnh vực khác nhau có thêm niềm tin với những gì họ theo đuổi.



Chúng tôi đã hẹn sẽ gặp nhau lúc 9 giờ sáng ở nhà anh rồi đi bộ vào trường. Đầu tháng Tư, Chicago đã có nắng ấm; hoa tulip, thủy tiên và mộc lan bắt đầu nở trên mặt đất mặc dù lá chưa mọc trở lại trên các cây cổ thụ dọc các con đường trong khu Hyde Park. Chúng tôi mua cà phê ở Reynold Club rồi vào Hutch Commons ngồi. Hutch Commons là phòng lớn, nơi sinh viên và cả các giáo sư thường tới ngồi làm việc, ăn trưa, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp. Căn phòng cao, với nhiều cửa sổ lớn gắn kính màu đón nắng mặt trời. Dọc hai bên tường có treo ảnh các đời hiệu trưởng của trường. Lúc này còn sớm và lại là thứ Hai nên trong Hutch Commons chỉ có vài ba sinh viên ngồi rải rác làm bài tập. Chúng tôi chọn một bàn ở góc trong cùng của căn phòng. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng việc tôi thú nhận rằng tôi không biết sẽ phải phỏng vấn như thế nào; anh Châu nói thôi thì cứ nói chuyện bình thường thôi. Tôi ghi lại đây một số đoạn từ cuộc “nói chuyện bình thường” này và giữ nguyên cách xưng hô “anh-em” để trung thực với cuộc trò chuyện.

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Không viết được gì


Bấy lâu chẳng viết được gì
Cảm thì chả thấy, hứng thì rỗng không
Nắng mưa xao xác lạnh lùng
và Em
chợt đến
dửng dưng
khóc cười

Hồng hoang xa ngái cõi người
Nửa đêm
nửa bóng
nửa tôi
nửa hình…

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Ai là người tri kỷ của nàng Kiều?

"Truyện Kiều" là cuốn sách thơ kinh điển của kho tàng văn chương nghệ thuật Việt Nam. Bất cứ người Việt Nam nào đều thuộc những câu thơ trong "Truyện Kiều", người ít thì vài ba câu, người nhiều thì vài trăm câu... Cũng hiếm có tác phẩm văn học nào mà các nhân vật của nó lại đi vào đời sống nhân dân đến thế. Những nhân vật như: Tú Bà, Hoạn Thư, Sở Khanh, Từ Hải,... đã trở thành thân quen trong đời sống thường nhật. Như vậy, từ một tác phẩm văn học mang dấu ấn cá nhân của đại thi hào Nguyễn Du, "Truyện Kiều" đã trở thành đại diện của một dân tộc, là sản phẩm văn hóa của cả cộng đồng, như lời nhà trí thức Phạm Quỳnh: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn". 

Cuộc đời trôi nổi, phiêu dạt, khổ đau của nàng Kiều thì ai cũng biết. Thế nhưng, mấy ai biết được trong đời nàng, ai là người tri kỷ, là người sẻ chia thực sự những đau đớn mất mát của nàng. Bài viết dưới đây sẽ góp phần làm sáng tỏ điều đó. Bài của nhà thơ Mai Văn Hoan (Huế), đã đăng trên Tạp chí Ngày nay.
----------------------------------------------------------------
AI LÀ NGƯỜI TRI KỶ CỦA NÀNG KIỀU?

Ai là người tri kỷ của nàng Kiều là một câu hỏi hết sức thú vị. Từ trước đến nay đã có không ít người đề cập đến vấn đề này. Căn cứ vào chữ nghĩa trong Truyện Kiều và những mối quan hệ tình cảm của nàng Kiều, người thì nói đó là Kim Trọng, kẻ thì cho đó là Từ Hải. Người thì quả quyết: chỉ có Thúc Sinh mới thực sự là tri âm tri kỷ của Kiều...

Người Việt Nam xưa nay thường dùng cụm từ tri âm tri kỷ để chỉ những đôi bạn hoặc những cặp vợ chồng "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Đó là những đôi bạn, những cặp vợ chồng hiểu nhau, thương yêu nhau, luôn quan tâm đến nhau, tạo điều kiện và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tri âm, tri kỷ đều những là từ Hán - Việt mang hàm nghĩa: người bạn tâm đắc, thấu hiểu tâm tư tình cảm của mình. Bá Nha - Chung Tử Kỳ, Lý Bạch - Đỗ Phủ, Nguyễn Khuyến - Dương Khuê, Xuân Diệu - Huy Cận... là những đôi bạn như thế. Được tin Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến than thở: Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua/ Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa... Tôi cho đó là những câu thơ thể hiện một cách đầy đủ, sâu sắc tình bạn tri âm tri kỷ.

Từ quan niệm về tình bạn, tình vợ chồng tri âm tri kỷ, đi sâu tìm hiểu ai là người tri kỷ của nàng Kiều. Người đầu tiên phải kể đến là chàng Kim. Mối tình Kiều - Kim là mối tình đẹp nhất, trong trắng nhất, nên thơ nhất, chung thuỷ nhất điều đó là lẽ hiển nhiên không cần phải bàn cãi. Nhưng Kim Trọng có thực sự là tri kỷ của Thuý Kiều hay không, thiết nghĩ cũng nên xem xét lại. Chàng Kim Phong tư, tài mạo tót vời/ Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa. Mới gặp chàng lần đầu nàng Kiều đã xao xuyến, rạo rực, mơ tưởng: Người đâu gặp gỡ làm chi... Kiều yêu chàng đến mức "khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan"...Nhưng trong quá trình tiếp xúc giữa hai người, theo tôi, có ít nhất ba lần Kim Trọng tỏ ra chưa thật hiểu nàng Kiều. Lần thứ nhất là lúc chàng nghe nàng đánh đàn: Khi tựa gối, khi cúi đầu/Khi vò chín khúc khi chau đôi mày. Kiều vừa đàn xong, Kim Trọng "góp ý" ngay: Rằng hay thì thật là hay/Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào/Lựa chi những khúc tiêu tao/Dột lòng mình lại nao nao lòng người.

Nếu thực sự hiểu nội tâm của Kiều, hiểu sự tiên cảm của Kiều, chắc chàng không nhận xét và khuyên bảo một cách nông cạn như thế. Lần thứ hai là khi "sóng tình dường đã xiêu xiêu", Kim Trọng đã có những cử chỉ, hành động "ra chiều lả lơi" với Kiều. May mà Kiều kịp thời ngăn chặn: Thưa rằng đừng lấy làm chơi/ Dẽ cho thưa hết một lời đã nao... Điều đó cũng chứng tỏ Kim Trọng chưa thật hiểu Kiều, chưa thật sự tôn trọng Kiều. Nàng phải buộc lòng dạy cho chàng bài học về "đạo tòng phu". Lần thứ ba là khi hai người gặp nhau sau mười lăm năm xa cách, để giữ thể diện cho chàng và không muốn mang tấm thân ô nhục của mình vấy bẩn đời chàng nên nàng quyết định "đem tình cầm sắt, đổi ra cầm cờ". Ấy thế mà trong cái đêm động phòng, Kim Trọng vẫn cố kèo nài nàng để làm "chuyện ấy". Một lần nữa buộc lòng Kiều phải tìm lời lẽ thuyết phục: Người yêu ta xấu với người/ Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau/ Cửa nhà dù tính về sau/ Thì còn em đó lọ cầu chị đây/ Chữ trinh còn một chút này/ Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan/ Còn nhiều ân ái chan chan/ Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi... Bấy giờ Kim Trọng mới ân hận và thú nhận là mình đã hiểu sai về nàng: Chừng xuân tơ liễu còn xanh/ Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân... Vì những lẽ trên, nên theo tôi, Kim Trọng chưa thật xứng đáng là người tri kỷ của Kiều.

Người thứ hai là Thúc Sinh. Mối tình Thúc Sinh - Thuý Kiều không đẹp, không trong trắng bằng mối tình Kim Trọng - Thuý Kiều. Nhưng bù lại Thúc Sinh có lẽ là người tình có nhiều điểm tương đồng với Kiều hơn cả. Thúc Sinh chính là người đã "phục sinh" cho Kiều. Hoàn cảnh đưa đẩy vào chốn lầu xanh, Kiều xem như mình đã chết: Mặc người mưa Sở, mây Tần/ Riêng mình nào biết có xuân là gìVui là vui gượng kẻo là/ Ai tri âm đó mặn mà với ai. Mặc dù khách làng chơi toàn cỡ Tống Ngọc, Tràng Khanh nhưng duy nhất chỉ có Thúc Sinh là chinh phục được Kiều: Sớm đào tối mận lân la / Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.../ Miệt mài trong cuộc truy hoan/ Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình.

Làm xiêu lòng một cô gái còn ngây thơ trong trắng không khó, phục sinh một phụ nữ mà cõi lòng đã băng giá còn khó hơn nhiều. Nếu không thực sự tài năng và có tấm lòng chân thực không thể làm được. Về tài cầm kỳ thi họa thì chỉ có Thúc Sinh là sánh được với Kiều. Hai người vẫn thường chơi cờ, họa đàn với nhau (Kim Trọng chỉ có nghe chứ chưa bao giờ họa đàn với Kiều). Làm thơ hay như nàng Kiều (Ví đem vào tập đoạn trường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai) thế mà phải bái phục Thúc Sinh. Nàng khen thơ chàng "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Và kiếm cớ "lòng còn gởi áng mây Hàng" (nhớ cha mẹ) nên "họa vần, xin hãy chịu chàng hôm nay". Thế mới biết Kiều rất nể phục Thúc Sinh (Kim Trọng chỉ làm quan chứ không hề thấy làm thơ).

Nếu không thực sự thương yêu Kiều dại gì Thúc Sinh phải vung tiền cứu Kiều ra khỏi lầu xanh và quyết chí lấy nàng làm vợ. Những ngày tháng sống với chàng Thúc là những ngày tháng nàng Kiều hết sức hạnh phúc "hương càng đượm, lửa càng nồng". Vì thế nên khi chia tay Thúc Sinh, Kiều cảm thấy vô cùng cô đơn, trống trải: Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường... Nếu Thúc Sinh nghe lời Kiều thú thực với Họan Thư, mọi chuyện chắc sẽ khác. Việc không làm theo lời dặn của Kiều, chứng tỏ Thúc Sinh cũng không thực sự hiểu Kiều, cộng với tâm lý khiếp sợ trước thế lực gia đình Hoạn Thư đã phá hỏng tất cả. Thúc Sinh bỏ mặc Kiều bơ vơ một mình trong cơn họan nạn: Liệu mà xa chạy, cao bay/ Ái ân ta có ngần này mà thôi! Như vậy, Thúc Sinh đâu có xứng đáng là người tri kỷ của Kiều.

Người thứ ba là Từ Hải. Không dềnh dàng "sớm mận, tối đào" như mối tình Thúc Sinh - Thuý Kiều. Từ Hải - Thuý Kiều vừa mới gặp nhau đã "hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa". Chỉ nghe Kiều nói một đôi câu khiêm nhường là Từ Hải đã "vừa ý gật đầu" và xem Kiều là người "tri kỷ" của mình ngay. Có người nói đây là mối tình "sét đánh". Thực ra, Từ Hải đến với Kiều chỉ vì sắc đẹp ‘nghiêng nước nghiêng thành" của nàng. Còn Kiều đến với Từ chủ yếu là tìm thấy ở Từ một chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống trôi nổi, bấp bênh của mình. Không như Thúc Sinh - Thuý Kiều, cặp Từ Hải - Thuý Kiều gần như là sự tương phản. Từ Hải "vai năm tấc rộng, thân mười thước cao", còn Kiều thì "liễu yếu đào tơ"; Từ Hải "thanh gươm yên ngựa", còn Kiều thì "cầm kỳ thi họa"; Từ Hải bộc trực, nói năng có phần bỗ bã "mắt xanh chưa để ai vào, có không ?", còn Kiều thì nói năng nhẹ nhàng, bóng bẩy, chữ nghĩa "Tấn Dương được thấy mây rồng có phen"... Qua cuộc đối thọai giữa Kiều và Từ Hải trong lần Kiều thuyết phục Từ Hải ra hàng, ta thấy độ vênh rất lớn giữa hai người. Từ cho rằng: Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao/ Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/ Vào luồn ra cúi công hầu mà chi/ Sao bằng riêng một biên thuỳ/ Sức này đã dễ làm gì được nhau... Trong khi đó, Kiều lại khuyên Từ nên về với triều đình: Sao bằng lộc trọng, quyền cao/Công danh ai dứt lối nào cho qua ? Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy họ không phải là những người "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Việc Nguyễn Du không lần nào tả nàng Kiều đàn cho Từ Hải nghe chắc cũng có lý do của nó. Phải chăng vì Từ không phải là một Chung Tử Kỳ ? Từ Hải là ân nhân hơn là người tri kỷ của Kiều.

Vậy chẳng lẽ không có ai thật sự là người tri âm tri kỷ của Kiều ? Xin thưa: có đấy! Theo tôi, người đó không ai khác ngoài đại thi hào Nguyễn Du. Nhà thơ là người hiểu Kiều hơn ai hết, thương Kiều hơn ai hết. Chính Nguyễn Du là người cảm nhận hết vẻ đẹp hình thể tuyệt vời của nàng Kiều: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một toàn thiên nhiên. Chính Nguyễn Du hiểu và thể hiện một cách sinh động vẻ đẹp tâm hồn của Kiều. Đó là đức hy sinh, tâm hồn đa cảm, tình yêu thuỷ chung, tấm lòng vị tha của nàng. Nguyễn Du rất khâm phục tài làm thơ, tài đàn của Kiều. Và không ai thấu hiểu và cảm thông với những nỗi đau khổ mà Kiều phải chịu đựng như Nguyễn Du. Nhiều lần ông đã lên tiếng bênh vực cho nàng: Thịt da ai cũng là người/ Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau! Tố Hữu có một câu thơ rất nổi tiếng "Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều". Nguyễn Du đã khóc thương nàng Kiều như khóc thương một người bạn tài hoa bạc mệnh. Phải đồng cảm với Kiều đến mức nào, nhà thơ mới viết được những câu xé ruột, xé lòng: Tuồng chi là giống hôi tanh/ Thân ngàn vàng để ô danh má hồng/ Thôi còn chi nữa mà mong/ Đời người thôi thế là xong một đời! hoặc Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường/ Mặt sao dày gió dạn sương/ Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân...

Bạn bè thì nhiều nhưng người thật sự tri âm tri kỷ rất hiếm. Gặp được người bạn tri âm tri kỷ là niềm hạnh phúc không có gì sánh được. Thật bất hạnh cho những ai trong đời không có bạn tri âm tri kỷ. Nàng Kiều đã may mắn gặp được Nguyễn Du như là sự bù đắp những nỗi khổ đau mà nàng từng chịu đựng. Và theo tôi, hai câu: Mấy lời tâm phúc ruột rà/ Tương tri dường ấy mới là tương tri, nàng Kiều nói với Nguyễn Du có lẽ phù hợp hơn là nói với chàng Kim.

Mai Văn Hoan

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

Con cóc


Có chàng cóc tía bên ao
Lơ mơ ngủ gật, thì thào gió trăng
Nước mây lấp loáng sao giăng
Giật mình cóc tỉnh, nghiến răng gọi Trời

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

Chuyện tình Hoàng Cầm


Thi nhân Hoàng Cầm. Tranh sơn dầu của họa sỹ Ba Tỉnh
Cái tin thi sĩ Hoàng Cầm qua đời không làm tôi ngạc nhiên, vì tôi đã được biết về bệnh tình của ông thông qua một vài người bạn. Có chăng là cảm giác hụt hẫng và trào dâng một nỗi buồn vì mất đi một Người Thơ, một Người mà tôi ngưỡng mộ từ lâu. Tôi đã thầm ngưỡng mộ ông qua bài thơ "Bên kia sông Đuống" mà tôi đã được học trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Sau này được biết nhiều hơn về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca, kịch thơ và văn xuôi của ông, tôi càng cảm phục hơn nữa. Tôi trộm nghĩ, sẽ còn rất lâu nữa, văn học nghệ thuật nước nhà mới có được một thế hệ những nhà văn, nhà thơ đầy tài năng và sáng tạo như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hữu Loan,... Xin thắp một nén nhang tưởng nhớ tới Thi Nhân. Cầu mong hương hồn Ông siêu thoát nơi miền Thơ Cực Lạc.

Một người đa tài như Hoàng Cầm chắc hẳn phải đa tình. Đó là lẽ thường trong đời sống. Vì thế, kính mời các bạn đọc bài viết về những chuyện tình của thi nhân Hoàng Cầm của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
----------------------------------------
1. HOÀNG CẦM VÀ PHỤ NỮ

Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922. Năm 18 tuổi ông lấy vợ là bà Hoàng Thị Hoàn quê ở Bắc Giang do gia đình cưới hỏi. Sinh được người con trai thì vợ ông mất trong kháng chiến chống Pháp. Hồi năm 1946 ông viết kịch thơ "Kiều Loan" và có một "tình yêu tự chọn" với nữ diễn viên Tuyết Khanh, sinh được một ái nữ đặt tên là Kiều Loan (1948). Do hoàn cảnh gia đình vợ ông phải theo chăm sóc mẹ đẻ, rồi vào Nam. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Cầm trở về kết duyên cùng người đẹp Lê Hoàng Yến, sinh được hai người con trai. Năm 1985 bà Lê Hoàng Yến qua đời, Hoàng Cầm sống trong sự cô đơn đằng đẵng. Dù đông con cháu nhưng cảm giác cô đơn của một thi sĩ si tình không bao giờ được giải toả. Từ đó, theo cách nói của ông, Hoàng Cầm trở thành vị hôn phu vĩnh cửu.

Có nhiều mối tình đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong thơ ông. Bài thơ "Lá diêu bông" là một ví dụ đặc sắc về tình yêu huyễn tưởng tự tâm linh của ông hồi còn trẻ với cô gái tên Vinh hơn ông 8 tuổi. Sau này là nhiều bài thơ tình, khi thì viết tặng NA, khi thì viết tặng Đ.Đ.H, PD, hoặc PQ... Đọc tập thơ "99 bài tình" của Hoàng Cầm, ta thấy ông hiện lên với một tình yêu mê đắm, vừa chân thật vừa hư ảo, vừa yếu mềm vừa quyết liệt. Cũng xuất hiện trong tập thơ này nhiều giai điệu đẹp lung linh và dịu dàng như sương sớm. Tình yêu trong thơ ông vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Chính vì thế ông trở thành "thi sĩ của tình yêu" được đông đảo bạn đọc mến mộ.

Có thể nói tình yêu của Hoàng Cầm với giới đẹp nói chung và người đẹp nói riêng là có thật. Cũng không ít người đẹp đã yêu, mê ông qua thơ của ông. Có người còn yêu thương cả cảnh ngộ cô đơn của ông. Theo ông cho biết thì có người còn viết thư "tỏ tình" với ông, nhưng khi gặp lại thấy "duyên không hợp". Còn hầu hết những người ông cầu hôn thi không vượt qua được sự ngăn cản của gia đình hoặc dư luận, và rốt cuộc đều trở thành những người bạn, người em đáng quí của thi sĩ.

Khi đã vào tuổi bát thập, ông vẫn cảm thấy thèm một bàn tay của người bạn đời chăm sóc, từ lúc ốm đau đến khi trò chuyện. Ông nói: "Giá như khuy áo đứt có người đơm, màn thủng có người vá thì ấm cúng biết bao. Người xưa nói "Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông" thật là thấm thía". Chính vì vậy, mà thơ của ông vẫn trẻ mãi nỗi đam mê và khao khát tình yêu. Hai câu thơ trong bài thơ: "Phía sau thư cầu hôn" dưới đây, phần nào bày tỏ sự khao khát của ông:

Đánh liều trao thư cầu hôn em
Bật sáng đáy tâm hồn trẻ nít...

2. HỎI CHUYỆN CHỦ QUÁN "LÁ DIÊU BÔNG"

Nghe nói ở làng Hạnh Hoa có một cô chủ quán rượu xinh đẹp lấy tên bài thơ "Lá Diêu Bông" cuả Hoàng Cầm đặt tên quán của mình, tôi bèn mang máy ghi âm bỏ túi đến... uống rượu. Quán nhỏ, lớp tranh đơn sơ, nhưng lich sự. Các tửu khách trông có vẻ trang nhã, không giống như quán rượu ở quê. Cô chủ quán đẹp như tiên, đi lại nhẹ nhàng như mây gió. Nghe nói ngày xưa chị trọt yêu một chàng trai kém mình 8 tuổi, gia đình cấm đoán, nên quyết định không lấy chồng. Từ hồi "đổi mới" chị mở quán rượu sinh sống, và luôn mơ được gặp tác giả "Lá Diêu Bông".
Thấy tôi là khách lạ, chị ưu tiên tiếp rượu, và cuộc trò chuyện đã diễn ra như vầy:
- Chắc chị mê thơ lắm mới đặt tên quán bằng tên một bài thơ?
- Tôi mê tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng,. Nhưng khi đọc được bài thơ "Lá Diêu Bông" của Hoàng Cầm là tôi quên Vũ Trọng Phụng luôn. Từ đó tôi cũng hình dung Hoàng Cầm là cái cậu con trai cứ lẽo đẽo theo tôi đi tìm lá thuốc cho mẹ từ hồi mới lớn. Nhưng người phụ nữ trong bài thơ Hoàng Cầm thi đi lấy chồng, có con , còn tôi thì không.
- Chắc chị thuộc nhiều bài thơ Hoàng Cầm?
- Từ khi đọc bài thơ "Lá Diêu Bông", là tôi đi tìm đọc Hoàng Cầm. Nghe nói trong "đổi mới" thơ ông bị "lưu ban" một thời gian dài. May mà từ khi tôi thích thơ Hoàng Cầm, thơ ông lại được in ra liên tiếp.Tôi có đủ các tập "Về Kinh Bắc", "Men đá vàng", "99 bài tình", "Mưa Thuận Thành", "Bên kia sông Đuống" và cả cuốn kịch thơ "Kiều Loan" ông viết từ hồi bốn lăm (1945). Tôi đọc đến đâu là thuộc đến đấy, vì thơ ông rất Việt Nam, rất thích hợp với tư duy của tôi. Như là ông viết riêng cho tôi.
- Chắc chị từng học đại học văn?
- Mấy đứa cháu tôi nó mới học đại học văn. Nhưng chúng nó chẳng hiểu gì về thơ. Chúng nó thạo kinh tế hơn. Bây giờ đứa nào cũng nhà lầu xe hơi trên phố.
- Thế chị học gì?
- Tôi học thơ Hoàng Cầm. "Sông Đuống trôi đi- Một dòng lấp lánh - Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ". Đọc câu thơ này, nhiều đêm tôi nằm nghiêng và thấy mình cũng như đang trôi đi.
- Chị lãng mạn thật.
- Con người, ai mà chả lãng mạn. Nhưng lãng mạn bằng thơ thì nó đẹp gấp trăm nghìn ngoài đời. Thơ làm cho người ta sống đẹp hơn.
- Nhưng phải là thơ Hoàng Cầm?
- Tất nhiên là với tôi. Nhưng có một ông khách trên phố về đây uống rượu, ông ta cũng mê thơ Hoàng Cầm lắm. Ông ấy bảo chỉ có thơ Hoàng Cầm và thơ Hàn Mặc Tử là nhất. Suýt nữa tôi với ông ấy đã thành đôi...
- Sao lại không thành?
- Vì tôi chỉ thích thơ Hoàng Cầm.
- Rắc rối nhỉ?
- Này anh, nghe nói ông Hoàng Cầm lại sắp lấy vợ phải không?
- Năm nào tôi cũng nghe nói như vậy. Nhưng rốt cuộc thì mười mấy năm nay chả có đám cuới nào cả.
- Thế cũng tốt.
- Sao lại tốt?
- Mỗi lần thi sĩ yêu lại có thêm bài thơ hay cho đời.
- Chị không ghen với các giai nhân thật sao?
- Việc gì mà tôi phải ghen với họ.
- Ở Sài Gòn cũng có một cái quán "Lá Diêu Bông" như quán chị...
- Tôi biết. Những cái quán ấy ra đời sau quán tôi. đọc báo tôi biết mà. Hai "anh- chị" còn làm thơ tặng nhau nữa. Thi sĩ Hoàng Cầm phủ dụ chị ta bằng những câu thơ thật sang trọng: "Kinh Bắc lên men đằm hương vương phi- Hỡi mưa Phương Nam bao giờ mưa đi?". Thế mà chị ta không chịu đi thì thật là "trời không có mắt".
- Nếu ông Hoàng Cầm mà làm thơ tặng chị, hay nói như chị là "phủ dụ" chị thì chị tính sao?
- Với tôi thật không có hạnh phúc nào bằng. Tôi phóng to bài thơ lên dán trên vách quán để khách rượu cùng thưởng thức.
- Nhỡ có người lại chê thì sao?
- Chê là quyền của người ta. Tôi cũng đọc một bài người ta phê bình thơ Hoàng Cầm là "thơ tình dục khiêu dâm". Và tôi thấy chính cái tay phê bình ấy mới thực sự có một cái đầu "dâm". Cứ theo cái đầu của anh ta thì Hồ Xuân Hương hay Nguyễn Du khi viết về tình dục sẽ bị anh ta xử trảm.
- Có lẽ chị nói đúng.
- Tôi nói đúng là cái chắc. Ví dụ những câu thơ đẹp như thế này: "Ấm êm em trong trắng thịt da đêm- Ngọn gió nào cũng ấp một hơi thèm" mà anh ta lại phán là "thơ khiêu dâm" thì tôi không hiểu là anh ta đọc thơ theo cách nào.
- Thơ cần có tri âm. Cũng như Bá Nha gẩy đàn phải có Tử Kỳ nghe. Chị là Tử Kỳ của riêng Của Hoàng Cầm rồi đấy!

Có thêm khách đến. Tôi chia tay chị chủ quán "Lá Diêu Bông". Biết tôi quen Hoàng Cầm, chị mừng lắm, gửi tặng ông chai rượu Hạnh Hoa, và nhờ tôi mời thi sĩ ghé thăm quán. Hoàng Cầm cũng mừng lắm. Tôi và ông chuẩn bị "hành quân" thì ông bị đau phải vào bệnh viện. Vậy mà cái cậu con trai lẽo đẽo theo chị đi tìm lá Diêu Bông đã gần chin mươi xuân.

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Hè đến


Hè đến phượng rơi rực đỏ đường
Ve kêu da diết nỗi tơ vương
Tóc dài hoa nắng cài ngực áo
Ai đứng chờ ai trước cổng trường?

Hè đến, thương sao bóng ngày xưa
Nhớ tiếng trống trường buổi sớm trưa
Lời giảng thầy cô còn đọng mãi
Bảng đen phấn trắng viết nên thơ

Hè đến cho đời những hạt mưa
Nhuộm tím bằng lăng những ước mơ
Mai sau dù đi xa vẫn nhớ
Ngày về, tim khẽ gọi: hè ơi!

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Cỏ may

Trong căn phòng không có hoa cỏ may
Để lòng ai chợt thương chợt nhớ
Làn hương em tỏa vương nơi sợi gió
Đến âm thầm ôm trọn trái tim anh