Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Nhiên sơ - Kiệu rước một mùa sang


Mới lần đầu ghé trang nhà blog của chị, đập vào mắt tôi là những bài thơ ngang dọc, không vần vèo, thú thực tôi không có ấn tượng gì đặc biệt (tôi vốn ghét thơ). Chỉ có ấn tượng bởi mấy bức ảnh chân dung trong đó. Nhưng mà lại không thích người, chỉ mê vì cảnh đẹp. Rồi cũng nán lại “đọc tạm” vài bài thơ ở đó. Chẳng thấy hay ho gì cả, cũng… bình thường thôi. Tôi nghĩ vậy và rồi quên đi nhanh chóng... 

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Mắt đen

Bức tường là một ban nhạc Hard Rock chuyên nghiệp sớm nhất tại Việt Nam, ra đời năm 1995. Ca sỹ chính của ban nhạc là Trần Lập, vốn là cựu sinh viên của Đại học xây dựng. Tôi thích âm nhạc của Bức tường bởi ca từ giản dị, ý nghĩa và giàu tính hướng thiện. Nó khác xa với những bài hát nhảm nhí, sáo rỗng, lời ca tủn mủn cùng thời. Hôm nay đọc được thông tin về live show mới nhất của nhóm tại Hà Nội, tôi nghe lại một số bài hát mà tôi yêu thích, trong đó có bản ballad này. Và lại nhớ đôi mắt đen thuở nào...

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Thử "đọc vị" Nguyễn Trọng Tạo

Bài này tôi viết đã lâu, khoảng 3 năm trước. Viết xong được đại ca Nguyễn Trọng Tạo khen lắm. Chắc là động viên thằng em lọ mọ ngồi viết bài về mình. Hôm nay tự dưng lại thấy nó trong máy tính. Xin giới thiệu cùng bạn đọc...

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Về bản chất và ý nghĩa của văn chương

Xuất hiện như một loại hình nghệ thuật sớm nhất của nhân loại, văn chương từ lâu đã mang trong mình nhiệm vụ thật cao cả, phản ánh tâm tư, tình cảm làm giàu có, phong phú thêm tâm hồn của con người, nhờ đó mà hướng họ tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Vai trò to lớn là thế, chức năng cao cả là thế, mà tại sao người ta lại khuyên "Lập thân tối hạ thị văn chương". Kể cũng thật lạ. Nhưng ngẫm cho kỹ, thì thấy lời khuyên đó cũng có hàm ý vừa răn đe vừa động viên những ai muốn dấn thân vào cái nghiệp chữ nghĩa đầy vinh quang mà cũng lắm tủi nhục này. Bản chất của văn chương là gì mà lại "ghê gớm" đến vậy. Bài viết sau đây của tác giả Nguyễn Văn Hạnh đăng trên tạp chí Sông Hương sẽ bàn về vấn đề này. Mời các bạn cùng đọc...

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Adagio For Strings

Samuel Barber (1910 - 1981)

Sau một ngày làm việc mệt nhoài, toan định tắt máy tính leo lên giường ngủ, bất chợt một âm thanh kỳ lạ vang vọng tới đôi tai uể oải của gã. Một thanh âm của thời xa xưa lắm rồi, cái thời mà chẳng ai còn biết tới nữa, ngoại trừ qua những hình họa, tranh vẽ được in dưới lớp giấy đã ngả màu vàng úa của thời gian. Vậy mà hôm nay gã lại nghe được nó. Nó mỏng manh như sợi tơ. Trong vắt như giọt nước. Và se sắt một nỗi sầu như chiếc lá rơi rụng từ vạn kiếp…

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Vài kỷ niệm về ngày nhà giáo



“Đò ai chở khách sang sông
Tình còn trở lại hay không hỡi người
Đò tôi tình của một đời
Bến thương neo đậu tình người đi xa”
Không biết tự bao giờ, hình ảnh những người thầy giáo, cô giáo lại được ví với người lái đò thầm lặng. Điều này có lẽ xuất phát từ đặc thù của nghề giáo. Đó là truyền thụ kiến thức cho những thế hệ học sinh, để rồi mai này họ hòa mình với dòng đời nhiều vần xoay của tạo hóa. Những học trò thân yêu đó cứ thế, hết lớp này đến lớp khác, năm này qua năm khác, bao gương mặt cũ qua đi, bao gương mặt mới lại đến… Giống như những khách qua đò. Như những đợt sóng của bao la biển cả. Còn người lái đò thì vẫn cặm cụi bên bến sông thanh bình, với công việc thường ngày của mình, để làm “nhịp cầu nối những bờ vui” cho mọi người.

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Bến xuân

Bài hát Bến xuân. Lời và nhạc: Văn Cao - Phạm Duy

Văn Cao là một trong những nghệ sỹ tài hoa nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông là tác giả của Tiến quân ca, quốc ca của nước Việt. Những ca khúc khác của ông như: Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ là những bản tình ca đi cùng năm tháng. Trường ca sông Lô là một bản hùng ca, được xếp vào hàng kinh điển trong nền âm nhạc Việt Nam. Ông cũng là một nhà thơ với những câu thơ thật tài hoa “Từ trời xanh/ rơi/vài giọt Tháp Chàm” và thật đắng đót “có lúc/ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt/có lúc/nước mắt không thể chảy ra ngoài được”. Ông còn là một họa sỹ đã từng có triển lãm tranh sơn dầu từ rất sớm tại Hà Nội.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

"Khúc hát sông quê" - Nhịp đập của những trái tim tha hương

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo

Nhà thơ Lê Huy Mậu

Người làm bài hát bao giờ cũng mong ước có nhiều người hát. Về điểm này tôi thấy gần đây ca khúc “ Khúc hát sông quê” của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là một minh chứng . Quá nửa đời phiêu dạt / con lại về úp mặt vào sông quê / ơi con sông dạt dào như lòng mẹ …Âm nhạc đã dắt lời thơ đi vào lòng người và ở lại đó, lay động xao xuyến . Nhất là đối với người tha hương lâu ngày. Mà thời buổi hiện đại này ai mà chẳng là người tha hương ? Ai mà chẳng có tuổi thơ ngóng mẹ chợ về với xu bánh đa vừng nơi bến sông thân thuộc. Có lẽ vì thế mà ai cũng tìm thấy mình trong từng nét nhạc, lời ca. Đi Nam về Bắc, tôi thấy ba bốn năm nay không có bài hát nào đạt đến sự mê say “phổ cập” như vậy. Cũng như mọi người, cả nhà tôi đều mê hát Khúc hát sông quê

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

"Giải mã" bài ca dao Thằng Bờm

"Thằng Bờm có cái quạt mo...", có lẽ bất cứ người dân Việt nào đều biết đến bài ca dao vui vẻ và tinh nghịch này. Ngay cả đến nhân vật Bờm trong bài ca dao (dù rất ngắn, chỉ 10 câu thơ) cũng "đi" vào đời sống nhân dân và trong phim ảnh. Chẳng hạn, khi muốn chê bai một ai đó làm những việc ngớ ngẩn và vô nghĩa, người ta thường nói: "Đúng là Bờm", "Bờm thế"...Điều đó cũng thể hiện sức ảnh hưởng dài lâu và một cách hiểu rất phổ biến của đa số mọi người về bài thơ này. Tuy nhiên, với trí tuệ uyên bác nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh của những "người sáng tạo" dân gian, có phải bài ca dao và các hình ảnh trong đó chỉ mang một ý nghĩa đơn giản và dễ đoán định như trên không? Hay là nó còn mang những tầng ý nghĩa khác, thâm thúy và sâu xa hơn nhiều? Mời các bạn hãy xem tác giả Nguyễn Trọng Bình "giải mã" bài ca dao đáng yêu này nhé. Bài đã đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay. Xin cảm ơn tác giả Nguyễn Trọng Bình (Cần Thơ).

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Dạ cảm


(Viết trong một đêm mất ngủ)
Lang thang đêm cuối manh rèm
Mùa trăng trót dại êm đềm dạ thưa

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Phạm Duy: Thơ phổ nhạc

Phạm Duy - tranh Bửu Chỉ
Phạm Duy là một trong những nhạc sỹ nổi tiếng nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Với một gia tài âm nhạc đồ sộ, trong đó có các tác phẩm đã ghi dấu ấn thật sâu đậm trong lòng người nghe của rất nhiều thế hệ như: Tình ca, Tiếng sáo Thiên Thai, Ngày xưa Hoàng Thị, Con đường cái quan, Bà mẹ Gio Linh, Tình hoài hương, Mẹ Việt Nam, Cô hái mơ, Quê nghèo,... Âm nhạc Phạm Duy rất đa dạng, phong phú từ thể loại cho tới đề tài. Khi thì những bài hát tụng xưng quê hương, lúc thì viết về những kiếp người, về tình yêu lứa đôi, những suy tư với cuộc sống,... với nhiều cách thể hiện và với các hình tượng âm nhạc khác nhau. Ông cũng là người có công làm mới những bài dân ca, bằng cách phổ lại nhạc (hoặc đặt lại lời mới) cho chúng. Nhờ đó mà những bài dân ca này lại tiếp tục được sống trong lòng công chúng yêu nhạc vì nó phù hợp với tâm lý, tình cảm của con người trong hiện tại. Ở đây, nét nhạc Phạm Duy hào hoa, tình tứ, bay bướm và lả lơi.

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Chỉ tại dòng sông đa tình


Em ơi, đã lâu lắm rồi mình không gặp nhau em nhỉ. Anh vẫn nhớ buổi đầu tiên ấy, lúc mà anh được nghe giọng nói của em qua điện thoại đường dài. Giọng nói của người con gái miền trung. Nhẹ nhàng, ấm áp và rất ngọt ngào. Ngọt như cỏ mật bên dòng sông thanh bình và thơ mộng. Có phải vùng đất đầy cát bụi nắng gió đã là chất dinh dưỡng để tạo nên vẻ đẹp mặn mà của em? Những câu chuyện em kể cho anh nghe về miền quê, về cuộc sống nơi phương xa luôn cuốn hút anh. Bởi nội dung câu chuyện hay vì người kể?... Thế rồi anh chợt biết làm thơ. Từ đôi mắt biêng biếc đa tình của em đó, đôi mắt mà chỉ một chút vô ý của tạo hóa nữa thôi, chắc sẽ biến nó thành lẳng lơ và tẻ ngắt lắm. Nhiều người sẽ thắc mắc về câu hỏi này: Sao em đẹp đến thế? Riêng anh, đơn giản một điều, là chỉ tại dòng sông đa tình, phải không em...

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Mắm Tam Quan

Nước mắm là một đặc sản của những nước nhiệt đới gần biển. Đó là cách bảo quản thực phẩm tài ba và thông minh của cư dân ở những xứ sở này, khi mà chưa hề có công nghệ làm lạnh và kết đông tôm cá và các loại hải sản khác. Tôi không rõ là có bao nhiêu nước trên thế giới có được một món ăn thú vị và tinh tế như nước mắm Việt Nam. Từ bát nước mắm này, nếu mà không có nó thì có biết bao nhiêu món ăn khác sẽ trở nên lạc lõng, vô duyên như một cô gái xuân thì, đoan trang mà trót nói năng, ứng xử vô lối. Cái màu hổ phách óng ả, cái mùi nồng đượm vị biển cả ấy chính là kết tinh của đất trời, của vạn vật để phục vụ cho cuộc sống con người. Có thể có người chê nó là món ăn hạ cấp, là hôi, là bẩn và không muốn sử dụng nó trong nấu nướng hàng ngày. Có người thậm chí còn đưa tay che miệng khi nhìn thấy nó. Thật là đáng tiếc cho những hành động lố bịch, cách nhìn hẹp hòi và nông cạn như vậy. Ẩm thực ở mỗi quốc gia bao giờ cũng khác nhau và đó chính là cái tạo nên sự đa dạng về văn hóa trên toàn cầu. Thành ra, dù ai có chê bai hay khinh bỉ nước mắm, đối với tôi, nó vẫn là thứ nước chấm tuyệt vời nhất, là "quốc hồn" của dân tộc. Nó khiến cho mỗi người dân Việt cảm thấy gần gũi với quê hương mình, thêm yêu non nước mình hơn. Thiếu nó, văn hóa ẩm thực Việt Nam chắc chắn bị khuyết đi một mảng không gì có thể bù đắp được. Vì sao ư? Xin thưa, đó là mắm Tam Quan, các bạn ạ...

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Alexandre de Rhodes có phát minh ra chữ Quốc ngữ?

Ngôn ngữ là một trong những yếu tố nhận dạng quan trọng nhất về sự tồn tại của mỗi quốc gia trên bản đồ thế giới. Ngôn ngữ Việt cũng vậy. Kể từ khi thoát khỏi sự ảnh hưởng của tiếng Hán trong việc viết các ký tự, ngôn ngữ Việt, có thể nói, đã làm một cuộc tiến hóa ngoạn mục với việc tiếp nhận các ký tự La tinh mà sau này trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam, chữ Quốc ngữ. Lâu nay ta vẫn thường nghe nói đến công lao của những nhà truyền giáo châu Âu, đặc biệt là Alexandre de Rhodes - một nhà truyền giáo nổi tiếng người Pháp, trong việc phát minh ra chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, có phải thực sự ông là người duy nhất phát triển hệ thống bảng chữ cái được La tinh hóa không? Hay ông chỉ là một trong những người đồng sáng tạo và phát triển hệ thống chữ viết này? Bài nghiên cứu về vấn đề này sẽ được trình bày dưới đây. Bài viết là của tác giả Alain Guillemin, Viện nghiên cứu xã hội học Địa Trung Hải, Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp. Bản dịch tiếng Việt của Ngô Tự Lập. Chân thành cảm ơn tác giả.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Lan man nhớ Huế


I
Về thăm xứ Huế chiều đông
Đền đài nhỏ bóng bên dòng sông Hương
Đến đây tôi chợt vấn vương
Vàng son một thuở, nẻo đường phồn hoa

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Kể chuyện hội ngộ mùa thu

Một mùa thu nữa lại về… Mùa thu luôn là mùa gợi cho ta bao nhớ thương và hoài niệm về một thời đã qua. Có khi chỉ là niềm thắc thỏm khe khẽ đợi chờ nỗi xao xuyến trong tâm hồn. Cũng là mùa của hạnh phúc lứa đôi: “Thu đã sang rồi em biết không/Tình thu vương vấn ở trong lòng…”. Câu thơ chợt ùa vào lòng ai mỗi độ heo may tràn trề từng góc phố, từng con đường Hà Nội…

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Ban mai



Nụ hôn ướt đẫm đêm mưa
Tình em ngây ngất giao mùa mỏng manh
Ban mai tỉnh giấc vắng anh
Hương sương lối cỏ long lanh cuối trời...

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Viết cho ngày Vu Lan

Sự chăm sóc đầu đời - Mary Cassatt (1884)
Một mùa Vu Lan nữa lại về… Vu Lan là một nét văn hóa thật hay, thấm đẫm tinh thần nhân văn của người Việt. Lễ Vu Lan được khởi nguồn từ một câu chuyện trong sự tích nhà Phật. Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, muốn tưởng nhớ và đi tìm mẹ mình để muốn biết bây giờ bà ra sao. Mẹ ông là bà Thanh Đề, lúc còn ở trần gian gây ra nhiều ác nghiệp nên khi qua đời, phải chịu cực hình làm ngạ quỉ ở địa ngục. Thương mẹ, ông dâng cho bà một bát cơm nhưng không đến được vì nó đã bị biến thành lửa đỏ trước khi bà đưa lên miệng. Xót xa vô vàn, Mục Liên tìm về đức Phật Thích Ca để hỏi cách cứu mẹ và được Ngài dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Mục Liên làm theo và mẹ ông được giải thoát. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời. Nếu như phương Tây có ngày của Mẹ, ngày của Cha thì chúng ta có ngày Vu Lan. Vu Lan là dịp để con cái báo hiếu với cha mẹ, những người đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn. Đó cũng là ngày để cho mọi người cúng bái những linh hồn đói khát, bơ vơ. Ta gọi rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Nơi Nietzsche sinh ra để trở thành bất tử

Friedrich Nietzsche (1844-1900)
Friedrich Nietzsche (1844-1900) là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng lớn nhất tới triết học hiện đại. "Con người là một cái gì đó cần phải bị vượt qua" chính là một trong những triết thuyết cơ bản của ông. Phong cách viết của ông bao giờ cũng mang tính chất ẩn dụ, với những hình tượng điển hình và được thể hiện rất...thơ. Điều này khiến cho những tư tưởng triết học của ông không khô khan, cứng nhắc mà rất uyển chuyển và linh hoạt. Tác phẩm quan trọng nhất của ông Zarathustra đã nói như thế (Also sprach Zarathustra) đã trình bày về bản chất của kiếp người, sự không thừa nhận thần thánh và ý niệm về Siêu nhân, về sau này đã bị Đức quốc xã lợi dụng vào việc tàn sát người Do Thái. Một điều trớ trêu là sau khi ông qua đời, đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, người ta mới đánh giá lại được về những công lao của ông đối với triết học hiện đại thông qua Martin Heidegger và những người khác. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng đến triết học hiện sinh, chủ nghĩa hậu hiện đại, phân tâm học,... Thông qua những tác phẩm của ông, tôi nhận thấy một tình yêu vô bờ bến với loài người, một ý chí không chịu lùi bước trước khó khăn gian khổ, với cuộc sống đầy bất hạnh và cô đơn, và một tài năng vượt trội mà có người đã ví von về ông: thiên tài của mọi thiên tài. Ông xứng đáng được tụng xưng là con King-Kong của nền triết học hiện đại. 

"Địa linh nhân kiệt", câu nói đó có lẽ muốn đi tìm lời giải đáp (tương đối) về sự hình thành và phát tiết của các tài năng. Nietzsche sinh ra ở đâu? Đó là ngôi làng nhỏ bé và thanh bình Roecken (gần Leipzig). Là nơi mà ở đó đã cất lên một tiếng gầm vang của một triết nhân - thi nhân: Friedrich Nietzsche, người mà cho đến tận bây giờ vẫn còn để lại niềm kinh dị cho hậu thế.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Je t'aime

"Ở đâu ngôn từ bất lực, ở đó âm nhạc vang lên...". Dù cho ánh sao kia có rơi giữa bầu trời đêm tối, dù cho những mảnh vỡ bằng thủy tinh có thể không bao giờ hàn gắn được, dù cho anh có như con sói ích kỷ lạc bầy trong những đám tuyết mảnh mong. Em vẫn yêu anh như một ông hoàng. Em yêu anh như em đã không còn là em nữa. Em trao anh những bí mật sâu kín nhất của cuộc đời em... Anh, em yêu anh yêu anh yêu anh như thế đó!
 

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Khóc

Tình cờ một lần tôi lạc vào blog của một người bạn. Quen... Không quen... Được đọc những dòng tâm sự của người này. Tâm sự mà viết như thơ, như khóc thầm cho những khổ đau, bất hạnh của cuộc đời mình. Có người đã ví cõi tạm như một cái chợ, Chợ đời. Ở đó có kẻ bán người mua tấp nập, mua vui bán buồn, mua giàu bán nghèo, mua danh bán lợi, và còn mua bán đối chác những gì nữa. Vậy mà, có một gã khờ thì: "Chợ buồn đem bán những vui/Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em" dễ khiến cho người ta nhói lòng và xa xót. Khi đọc em, tôi cũng có cảm giác như thế. Bất chợt một ngày ta không còn biết khóc/Lệ của người liệu có chảy hay thôi?

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Tâm thức Việt trên đất Mỹ

Cây đa bến nước
Bác sỹ Lê Đình Phương là một cây bút quen thuộc đối với những ai quan tâm tới y khoa, văn học, âm nhạc và nhiếp ảnh. Ông cũng là người có những ý kiến xác đáng với nhiều vấn đề nóng hổi và nhức nhối của xã hội. Đó chính là thái độ đáng trọng của người trí thức. Năm 2009, cuốn sách Người bệnh cuối ngày với những bài bút ký về nghề nghiệp, về cuộc đời và về nhiếp ảnh của ông, thực chất là tập hợp các bài viết đăng tải trên báo chí và blog cá nhân (Dr Nikonian), đã ra mắt bạn đọc. Những bài viết trong tập sách chính là tâm tư, là nỗi lòng của một người nghệ sỹ đối với thời cuộc, với con người dưới lăng kính “cận nhân tình” của một bác sỹ tổng quát. Có những bài đề cập đến chuyện nghề nghiệp khô khan song không vì thế mà khó đọc, trái lại, được thể hiển dưới một giọng văn dễ hiểu và hóm hỉnh. Nhờ đó mà mọi điều khó nghe, khó nuốt kia cứ từ từ thấm dần vào trí nhớ người đọc. Ngoài ra, còn có những bài bút ký, cảm nhận về những địa danh khác nhau trên thế giới, về âm nhạc, về nhiếp ảnh thật sắc sảo, tài hoa và đầy tính nhân văn.

Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, một trong những vấn đề lớn nhất đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, chính là làm sao hội nhập được với dòng chảy văn hóa chung của nhân loại nhưng cũng không được để đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì văn hóa sẽ là yếu tố nhận dạng của mỗi quốc gia trên bản đồ thế giới trong thế kỷ này. Mất văn hóa là mất tất cả. Đây là vấn đề cực khó. Một điều dễ nhận thấy, đó là những gì mới mẻ, trẻ trung thường có sức thu hút, hấp dẫn hơn những gì thuộc về cổ truyền, quá khứ. Vì thế mà những nền văn hóa phóng khoáng, cổ vũ cho tự do, cởi mở thì thường được ưu chuộng hơn nền văn hóa truyền thống, vốn bảo thủ và chậm chạp hơn so với sự phát triển của xã hội. Hệ quả là, những giá trị văn hóa truyền thống dần dần bị mai một, trong khi những giá trị mới kia chưa đủ sức hình thành nên các chuẩn mực, giá trị đạo đức để dẫn dắt toàn xã hội. Điều này tất yếu sẽ dẫn tới sự mất ổn định về tâm lý xã hội, và cũng là bi kịch của xã hội hiện đại. Đó là lý do mà bất cứ mỗi dân tộc nào, nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời kỳ này cũng đều phải giữ cho bằng được “chiếc phanh” văn hóa truyền thống này…

Hắn là một gã nông dân thứ thiệt. Ăn khỏe, uống nhiều, giọng nói lúc nào oang oang như chợ vỡ, được mỗi cái nụ cười duyên dáng và chân thật… Giã từ làng quê nghèo khó, hắn “liều mạng” đi Tây một chuyến, những mong đổi đời và cũng muốn mở mang tầm mắt để biết đó đây. Dấu giày thiên di của hắn đã băng qua biết bao vùng đất của quả cầu này. Từ những buối phơi mặt trên đường phố Moscow, những lần chạy hàng bạc tóc tại Berlin, Praha, Paris,... rồi những chuyến lang thang một mình trong khắc khoải, cô đơn của một người viễn xứ. Không biết tự khi nào, hồn quê Việt lại chợt hiển hiện thật gần gũi, thân thương trong tâm thức gã, một kẻ quê kệch và lênh đênh nguồn cội…  

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Nghĩ vẩn nghĩ vơ

Triêu như thanh, mộ như tuyết câu thơ tài tình của Cao Bá Quát hay Giật mình ôi chiếc lá thu phai trong ca từ họ Trịnh là những lời than, những tiếng thở dài cho thân phận ngắn ngủi và mỏng manh mây trôi bèo dạt của kiếp người. Từ thuở còn để tóc ba vá, chơi đùa nghịch ngợm ban trưa ngoài cánh đồng bênh bang sóng nước, đến lúc bước vào cuộc đời sương gió, đầy những trầm luân dâu bể và cuối cùng lại trở về với cát bụi. Ôi, thời gian sao mà xuẩn ngốc/Mới đó thôi đã một đời người...

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Chuyện cấm luyến ái giữa người trong quan họ

Quan họ ngày xuân. Nguồn: quanvan.net
Quan họ là một thể loại âm nhạc rất độc đáo của người Việt, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Quan họ tập trung chủ yếu ở vùng văn hóa Kinh Bắc. Về nguồn gốc của nó, cho đến nay vẫn chưa có một giả thuyết nào được đa số các nhà nghiên cứu đồng tình. Chỉ biết rằng, đây là hình thức hát đối đáp giữa người nam và người nữ, thường diễn ra vào những dịp lễ hội, đám cưới, giỗ chạp,… của xã hội. Quan họ có tới hơn 300 bài, với làn điệu phong phú nhất trong số các loại hình dân ca của Việt Nam. Nhiều bài dân ca Quan họ đã trở nên quen thuộc với mọi người: Mời trầu, Khách đến chơi nhà, Tương phùng tương ngộ, Vào chùa, Còn duyên, Con nhện giăng mùng, Giã bạn,…  

Mặc dù có một kho tàng bài bản và đồ sộ, kỹ thuật thanh nhạc rất cao và phong cách biểu diễn chuyên nghiệp như vậy, song những người tham gia Quan họ đều coi đây là một thú Chơi nghệ thuật, chứ không phải là một nghề để kiếm sống. Người ta hát Quan họ như để giải bày, để sẻ chia, để phục vụ cho những cuộc Chơi năm tháng, làm giàu có hơn tâm hồn của bản thân mình và đồng loại. Vì thế, nó trở thành loại hình thuộc về nhân dân, mang đậm nét tính cách Việt và văn hóa Việt.

Trong một dịp nghe một bài hát của nhạc sỹ Lê Minh Sơn về miền Quan họ, tôi thấy thật khó hiểu bởi một “lời nguyền” nào đó dành cho các liền anh, liền chị nếu họ lấy nhau. Tò mò, tôi vội đi tìm hiểu và thật may mắn, tôi gặp được bài viết dưới đây. Tác giả Bùi Trọng Hiền đã giải thích rất rõ ràng và thuyết phục về vấn đề này. Đây có thể là một trong những lý do khiến cho nghệ thuật hát Quan họ tồn tại được theo thời gian. Cũng qua bài viết, tôi mới cảm nhận được tại sao mà khi chia tay nhau, người Quan họ lại ngậm ngùi thương cảm đến vậy: Người về em vẫn khóc thầm/Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa/Người về em vẫn trông theo/Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi…/Người ơi người ở đừng về…

Trân trọng cảm ơn anh Hiền và kính mời bạn đọc...

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Biển, nỗi nhớ và em


Trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Frankfurt về Hà nội, tình cờ tôi được thưởng thức giọng ca của Lê Anh Dũng. Một giọng tenor thật sang trọng. “Gió âm thầm không nói mà sao núi phải mòn/Em đâu phải là chiều mà nhuộm anh đến tím…”. Nghe bài hát ở độ cao trên 10000 mét quả là khác biệt so với khi nghe ở dưới mặt đất. Một nỗi buồn lai láng bất chợt dồn nén trong một không gian thăm thẳm. Của màn đêm. Của khí trời. Của anh và của em. Cả một chuỗi đong đầy kỷ niệm lại ùa về trong anh. Em, giờ này em đang ở đâu? Em còn nhớ lần đầu tiên anh đã hát bài này, duy nhất một lần cho em nghe. Riêng anh và em, như thể thế giới này chỉ còn có hai kẻ cô đơn đang tự đi tìm cho mình một giấc mơ bằng pha lê. Lúc đó em thật đẹp. Bờ môi em ảo tưởng. Suối tóc em nồng nàn. Anh đã bị ma đưa quỉ khiến… Để đến bây giờ, không thể nào anh quên được: “Xa em lòng bỗng thấy buồn/Mặt trời lặn bóng cánh buồm đi đâu/Mưa suông gió buốt núi sâu/Đời anh nghiêng ngả đếm sầu…nhớ em”... 

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Hạ tầng tư duy

Cả thế giới đã từng ngưỡng mộ một nước Nhật phục hồi mạnh mẽ kinh tế sau chiến tranh, kính trọng một tinh thần Đức trong công việc hay trầm trồ trước những thành tựu về khoa học và kỹ thuật Mỹ... Chắc chắn việc đi tìm nguyên nhân của những thành công đó sẽ không bao giờ chấm dứt, vì nó luôn được nhìn ở nhiều góc độ. Ở đây, chỉ xin giới thiệu một góc nhìn khác về sự phát triển của một quốc gia, dựa vào một khái niệm mới: Hạ tầng tư duy. Bài viết của Tiến sỹ Giáp Văn Dương (Singapore). Có thể coi đây cũng là một cách lý giải về sự thành công của các dân tộc khác nhau trên thế giới.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Chúc mừng nhà văn Bảo Ninh

Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) là một trong số ít những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ra đời năm 1987, với tên gọi ban đầu Thân phận và tình yêu, cuốn sách đã miêu tả chiến tranh dưới góc nhìn khác, góc nhìn cá nhân, qua câu chuyện của một người lính tên Kiên và cô bạn học tên Phương. Tiểu thuyết này đã được các nhà phê bình văn học trong và ngoài nước đánh giá là một trong những cuốn sách viết về chiến tranh xúc động nhất trong nền văn học thế giới. Nhân dịp nhà văn Bảo Ninh được giải thưởng châu Á, xin chân thành gửi lời chúc mừng tới anh...

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Đắc đạo trà ngon đắc đạo tình

Lão là một kẻ nghiền trà hạng nặng, có lẽ là nặng nhất trong số những bạn bè của tôi. Lão cũng có khả năng thẩm trà được xếp vào loại “cao thủ võ lâm” (theo quan điểm của tôi, kẻ không thích uống trà. Hi hi). Có đợt tôi gửi cho lão một cân trà Thái Nguyên loại ngon, cố tình trộn thêm vào đó một ít trà Phú Thọ để xem lão phản ứng thế nào. Ai dè lão biết được ý đồ đó và còn “xỏ lá” bằng cách viết một bài trên blog, hàm ý vừa ca ngợi, vừa “chửi bới” tôi. Lại còn chụp ảnh để ghi lại tang chứng, chỉ rõ cái nào là trà Thái Nguyên, cái nào là trà Phú Thọ. Thế mới khổ thân tôi. Đúng là làm phúc phải tội mà.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Em là con gái miền Tây

Dương Trương Thiên Lý là một người đẹp gây ấn tượng với tôi, bởi phong cách hiện đại, nói tiếng Anh lưu loát và một vẻ quyến rũ rất Á Đông. Năm 2008, cô đã giành giải Á hậu trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ diễn ra tại Nha Trang và sau đó đại diện cho sắc đẹp Việt Nam tham dự Hoa hậu thế giới tại Nam Phi. Đẹp và tài năng. Đó là cảm nhận của cá nhân tôi về Thiên Lý. Vẻ đẹp dễ khiến người đối diện bị xốn xang. Xốn xang rồi ám ảnh, vì nét ngây thơ, trong sáng và mỏng manh của người đẹp. Theo dõi trả lời phỏng vấn, được biết cô là con gái miền Tây (Đồng Tháp), vựa lúa của cả nước, có dòng Tiền giang êm ái, là nơi "tôi có người yêu mang tên Hồng Ngự.../Hình dáng của người em thơ/trong tôi gói trọn ước mơ" như lời của một bài hát về mảnh đất trù phú này. Hiện tại, Thiên Lý đang du học tại nước Mỹ xa xôi, nhưng cô luôn ý thức được rằng tâm hồn mình, trái tim mình thuộc về đất Mẹ mang tên Việt Nam. Tôi thì nghĩ rằng, khi người ta ý thức được về quá khứ, biết thương nhớ và trân trọng nguồn cội của mình thì sẽ đi xa hơn trong cuộc đời. 

Xin giới thiệu với các bạn một vài ảnh chân dung của cô, Á hậu Dương Trương Thiên Lý. Một ngày nào đó:  "Tôi sẽ về thăm quê hương Hồng Ngự/Nhìn lúa Tháp Mười vươn lên đầy đồng/Nhìn cánh chim trời tung bay/Mà nghe luyến lưu dâng đầy..."
Hoa thương nhớ ai

Hương thầm

Nét ngọc

Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu

Đi đâu đào liễu một mình

Ngại ngùng

Dáng xuân

Gửi thêm một chút sương mù

Vào trong đôi mắt hồ thu của người...

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Chuyện một người Đức yêu phim Việt

HNM - Là một người Việt Nam, trong nhà bạn liệu đã có những đĩa DVD phim kinh điển của điện ảnh Việt? Một người Đức làm việc trong lĩnh vực ngoại giao không những sở hữu một bộ sưu tập khá nhiều phim Việt Nam, mà còn là người có những nhận xét sắc sảo về phim Việt. Báo Hà Nội Mới đã có cuộc trò chuyện với anh Hans Farnhammer, Phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam về môn nghệ thuật thứ 7 này.

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Nhớ Hoàng Cầm

Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010)
Thế là nhà thơ Hoàng Cầm đã tìm về với đất Mẹ Kinh Bắc tròn một năm. Có lẽ ông là một trong những nhà thơ được yêu mến bậc nhất trong nền thi ca đương đại. Điều gì đã khiến thơ ông được đông đảo người dân yêu thích đến vậy? Đó có phải là tình yêu quê hương, yêu thương con người, một trầm tích văn hóa đã gắn bó máu thịt với ông, từ thuở còn nằm nôi đến khi nhắm mắt. Tôi được biết đến ông lần đầu khi còn là một cậu học trò cấp ba, từ bài thơ được giảng dạy trong sách giáo khoa Bên kia sông Đuống. "Em ơi buồn làm chi/Anh đưa em về sông Đuống/ngày xưa cát trắng phẳng lỳ/Sông Đuống trôi đi/một dòng lấp lánh/Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...". Yêu thích bài thơ phần vì nhà tôi gần với dòng sông "nằm nghiêng nghiêng" đầy thơ mộng và yên bình ấy. Có lần tôi cũng gọi điện thoại để hẹn hò với một hoa khôi của trường. Nàng là người ở đất bên bờ sông Đuống. Duyên dáng và lãng mạn. Thật không may, người cần gặp thì không thấy, lại gặp ngay một "cảnh sát" là mẹ nàng. Sau một hồi "tra hỏi" về tên tuổi, mục đich gọi điện, bà hỏi tôi: "Nhà cháu ở đâu?". "Dạ, nhà cháu ở bên kia sông Đuống ạ!"... Nàng lên xe hoa từ rất sớm, khi tôi còn đang học đại học năm thứ hai. Ngày cưới em, nhiều gã đàn ông ngậm ngùi, nuối tiếc hay thầm thì nhỏ lệ. Có người trong số đó cũng lẩm nhẩm bài thơ Lá diêu bông, Cây tam cúc, chắc là để tìm cho riêng mình niềm an ủi "Lấy chồng sớm làm gì"... 

Về sau này, khi tìm hiểu về cuộc đời của ông, tôi được biết ông tên thật là Bùi Tằng Việt (bút danh Hoàng Cầm là tên một vị thuốc rất đắng trong Đông y) sinh năm 1922 tại huyện Việt Yên (Bắc Giang). Quê gốc của ông ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Đẹp trai, da trắng, môi đỏ, đa tài và đa tình. Làm thơ từ năm 16 tuổi và sớm nổi tiếng với vở kịch thơ Hận Nam quan cùng năm đó, Kiều Loan khi 20 tuổi. Vở kịch thơ này ca ngợi lòng yêu nước, thức tỉnh tinh thần tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt. Tham gia kháng chiến chống Pháp với vai trò Trưởng đoàn văn công của Tổng cục Chính trị và vướng vào vụ Nhân văn Giai phẩm. Từ đó ông trở về Kinh Bắc như một điểm tựa tinh thần duy nhất để nương niu, bấu víu trong những tháng ngày khốn khó. Thời gian này ông viết tập thơ Về Kinh Bắc, một tập thơ quan trọng nhất và là cột sống trong đời thơ của ông, như chính ông đã thừa nhận. Tập thơ chia thành các "nhịp" với những đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ở đó ngôn ngữ Việt được thăng hoa trong những đêm quan họ lỏng lơi, những "váy Đình Bảng buông chùng cửa võng" hay "vắt áo nghe thầm tiếng vải kêu", khao khát yêu đương đắm đuối nhưng vô vọng giữa người em và Chị "em đứng nhìn theo/em gọi đôi" và cả những nhục cảm đa nghĩa "Ấm êm em trong trắng da thịt đêm". Về Kinh Bắc là kết tinh của những lớp vỉa dày văn hóa và tâm linh Kinh Bắc đặc sắc và nén thẫm. Về thi pháp, Về Kinh Bắc ẩn chứa một nhạc điệu, một nguồn sáng, một thế giới riêng mà chỉ có Hoàng Cầm mới tạo ra và "tung hoàng" ở đó được. Cõi thơ Hoàng Cầm đậm chất âm tính, nằm giữa hư và thực, là sự đồng hiện của không gian và thời gian, gợi về những cái đã qua, tưởng là cổ truyền song lại hiện đại nên có sức ám ảnh và lôi kéo rất mạnh người đọc. Do vậy, nó không quá cũ và vẫn mang hơi thở của thời hiện đại. Đó là lý do mà nhà thơ Trần Dần đã gọi ông là "nhà thơ tân cổ điển". Đọc Hoàng Cầm mới thấy hết nỗi niềm yêu thương tiếng Việt, văn hóa Việt, đắm đuối với tình yêu con người của người thi sĩ tài hoa đất Kinh Bắc và của cả dân tộc. Vì cuối cùng, ai trong số chúng ta cũng sẽ có lần "Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc"...

Nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ, kẻ hậu sinh mạo muội viết mấy dòng này, để tưởng nhớ tới ông và cũng để biết rằng ông đã rời cõi tạm đến một cõi Thơ mới. Khi ngoảnh đầu nhìn hậu thế, chỉ còn một điều duy nhất mà Người Thơ gửi lại giữa vô vàn sương gió: "Những khoảng chiều buồn phơ phất lại/Anh đàn em hát níu xuân xanh..."

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Đại học Nga đưa sách Nguyễn Nhật Ánh vào giảng dạy


Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Cuốn 'Cô gái đến từ hôm qua' (NXB Trẻ, 1995) của nhà văn xứ Quảng vừa được tiến sĩ Maxim Syunnerberg đề nghị đưa vào giáo trình giảng dạy tiếng Việt của Đại học Moscow, Nga.

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Tự khúc

Con đường xa nỗi không tên
Một thương hai nhớ ba quên bốn chờ
Sầu cầm cung khép chơ vơ
Rì rầm cội gió giăng mờ phôi pha

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Trực tuyến với Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 2011

Toquoc - Có lẽ triết lý nhân sinh trong 600 nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn câu hay nhất vẫn là “…để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười”. Nên… dù Trịnh Công Sơn đã hóa thân cát bụi mười năm vẫn mưa xuống lòng ta những giai điệu slow, blues, boston buồn mà không bi mị, không một chút lên gân nhưng ma mị, lại phảng phất dân ca và thấm đẫm chất thiền. Nhạc của Trịnh Công Sơn là phát nguyện của tinh thần Phật giáo.

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Đoản khúc cà phê

Cà phê không phải thức uống yêu thích của tôi, ngoại trừ những lúc uống để...chống buồn ngủ. Thế mà đọc bài viết về cà phê của nhà thơ Văn Công Hùng (Gia Lai) thấy thật thú vị. Ngẫm ra, "Chơi cho biết mặt sơn hà/cho sơn hà biết đâu là mặt chơi". Mời các bạn cùng đọc...
Cà phê luyến lưu...
Tự nhiên đêm nay cứ bồn chồn thắc thỏm mà lại không... thèm rượu, vừa may có hai ông nghệ sĩ nhiếp ảnh rủ uống cà phê vào lúc... chín giờ tối. Hai ông nhiếp ảnh uống trà cung đình còn tôi "chơi " một ly đen nóng mười lăm nghìn, vừa nói chuyện lan man vừa nghĩ về... cà phê. Ví dụ ý nghĩ này vụt ra: Mấy ngày nay cà phê nhân rớt giá kinh khủng, thấp nhất trong vòng mấy chục năm nay, thế nhưng giá cà phê phin vẫn giữ như thế. Cà phê cóc vỉa hè sáu hoặc bảy ngàn, còn cái quán tôi đang uống đây là mười lăm ngàn một ly đen nóng...

Bây giờ tôi là một gã nghiện cà phê thứ thiệt trên xứ xở cà phê Pleiku. Làm gì thì làm, ăn sáng xong là phải có một ly, đen nóng, không uống cà phê sữa, cà phê đá, đơn giản là chỉ cà phê đen nóng mới lên hết chất cà phê. Giọt cà phê sánh đen như mắt con gái Pleiku, tần ngần vo lại, tích tụ, rồi nghi ngại thả mình rơi xuống ly, rụt rè lan vào đáy ly, cái ly được đặt trong một cái ống bơ nước nóng. Đơn giản vậy mà cà phê. Đơn giản vậy mà cuộc đời thăng hoa. Đơn giản vậy mà thổn thức bồn chồn nhớ. Đơn giản vậy mà bây giờ trên phố trên làng, ngập tràn khắp nước, nhấp nhô quán cà phê. Các vỉa hè Pleiku, mà chả Pleiku, vỉa hè khắp nước, bạt ngàn ràn rạt cà phê...

Cà phê nó không chỉ là cà phê, mà nó còn là văn hóa, là triết lý, là một cái gì đó bí ẩn trong cái khắc khoải nhớ thèm không cắt nghĩa được, cứ mang mang, cứ thắc thỏm, cứ bất an... nếu như mỗi ngày vì lý do gì đó chưa có một cữ ngồi cà phê. Tất nhiên để nâng lên tầm văn hóa cà phê, triết lý cà phê là cả một đoạn trường, không phải quán cà phê nào cũng đạt tới, và cũng không phải khách uống cà phê nào cũng có thể đạt tới. Thì lạ thế mới là... cà phê. Cả nghìn ông nghiện cà phê, may ra chỉ một ông lòng dạ can trường, sáng ăn tô cơm vợ chiên xong thì nhẩn nha trìu mến bưng ly cà phê vợ pha, thân thương ngắm vợ quần nhăn mặt mộc tất tả các công việc không tên buổi sáng, vừa uống vừa nhìn đồng hồ rồi thong thả dắt xe đi làm. Trời ạ, cuộc đời thanh bình đến thế thì thôi, hạnh phúc giản đơn sâu nặng đến thế là cùng. Nhưng còn chín trăm chín chín ông thì làm gì buổi sáng. Đơn giản vô cùng, họ ngạ ngật ở các quán cà phê quen. Uống cà phê là uống cái không khí cà phê, mà ta gọi sang trọng là văn hóa. Nó có văn hóa máy lạnh váy ngắn, có văn hóa lô nhô quán cóc, có văn hóa chân giầy và cũng có món chân đất co lên ghế. Vấn đề là anh hưởng hết những gì mà một ly cà phê và không gian cà phê ban cho anh, dâng tặng cho anh và nhiều khi là nó cũng... hành anh.
Một góc cà phê vỉa hè
Tôi chỉ mê cà phê cóc, và chỉ có vài quán ở Pleiku này là tôi hay ngồi. Ở đấy chủ quán thuộc gu khách đến từng chi tiết nhỏ nhất, bao nhiêu cà phê, bao nhiêu nước sôi, hướng ngồi, chỗ ngồi, màu ghế, cho đến bình trà pha thế nào để không nhạt không đắng, cái tiếng hắt hơi khi ngụm cà phê đầu tiên chạm nhẹ vào lưỡi... nếu hôm nào không có tiếng hắt hơi ấy, thì hoặc là khách dở người, hoặc là cà phê dư hay thiếu gì đấy. Ôi chao ly cà phê trông đơn giản, tưởng như ai pha cũng được, ai dội nước vào cũng xong, thì nó lại cầu kỳ tinh tế đến từng chi tiết rất nhỏ. Thì đã bảo hàng ngàn quán cà phê, nhưng chỉ chừng nửa số ấy là có văn hóa, có triết lý cà phê, họ nâng việc pha chế, phục vụ, bán cà phê... thành nghệ thuật, một thứ nghệ thuật vô lượng vô hình mà chỉ ai thật sành, thật tinh tế mới cảm nhận được. Họ pha cà phê như một sự ngưỡng thánh, như tự mình dâng hiến, đắm say và sáng tạo, bí ẩn và thiêng liêng. Còn lại là làm cà phê, bán cà phê vì bởi... chả biết làm gì. Ngồi cà phê nhưng thực chất vì những giọt cà phê đen sánh thơm nồng nàn chỉ là một phần nhỏ. Phần lớn là ngồi nghe đời, nghe mình tan theo mỗi giọt cà phê, xem đời, xem mình trôi chầm chậm ngoài đường. Đấy chính là lúc con người minh triết thanh sạch nhất để cảm nhận cuộc đời, tự vấn chính mình, thắc thỏm xung quanh. Cà phê và không khí cà phê đã giúp con người làm được điều ấy. Có người bảo, uống cà phê phin kiểu Việt Nam là kiểu tiểu nông, của anh thất nghiệp, thừa thời gian, chứ còn ở đất nước công nghiệp hiện đại, họ uống cà phê hòa tan, nhanh chóng ực một nhát, rồi đi làm. Quả là cà phê là một thứ du nhập, nó vào Việt Nam theo dấu chân thực dân, nhưng rồi cũng như chiêng cồng, như ghè rượu, là những thứ mà người Tây Nguyên không làm ra được, nhưng khi mua về, đổi về, người Tây Nguyên đã biến chiêng cồng, biến ghè thành đặc sản của mình, nâng nó lên tầm văn hóa, bắt cả thế giới phải khán phục. Khi vào Việt Nam, cà phê đã được Việt hóa một cách thông minh và đầy bản sắc, phù hợp với phong cách Việt, không khí Việt. Chưa được thưởng thức hết cà phê trên thế giới, nhưng tôi đã uống cà phê pha kiểu Nga và một số nước Đông Âu, họ pha kiểu... cất rượu. Bỏ qua cái tao nhã, cái thư thái, cái chiêm nghiệm, cái lăn tăn sốt ruột, cái an nhiên tự tại, cái lắng sâu đợi chờ, cái nồng nàn tan chảy, cái thăng hoa hương vị, cái chìm đắm đen mê... những thứ làm cho cái thứ quả du nhập từ một nước xa xôi cách nửa vòng trái đất trở nên mê hoặc, hấp dẫn, đắm đuối... những gã đàn ông và cả những tha thướt đàn bà, khi được xay ra rồi cho vào phin, ngâm nước sôi, và lặng lẽ giọt...

Lịch sử loài người có hai phát minh vĩ đại để tăng chất lượng sống cho con người là sự phát minh ra rượu và... cà phê. Theo thần thoại Hy Lạp thì thần Dionidod là vị thần sáng tạo ra rượu. Nó giúp cho con người (nhất là tầng lớp bình dân) thăng hoa, tạm quên đi những gì đau khổ mà loài người đang và đã trải. Những bồng bềnh mênh mang, những ảo giác thánh thiện, những thăng hoa mây gió... giúp con người nhìn cuộc đời một cách thân thiện hơn, nhân hậu hơn, bao dung và cũng sắc sảo hơn. Cà phê thì ít nổi tiếng hơn rượu, nhưng sang hơn rượu khi nó sinh ra ban đầu là dành cho giới thượng lưu. Những tao nhân mặc khách, những văn nghệ sĩ trí thức, những lượt là thơm tho, những đầu mày cuối mắt, những trơn bóng khoan thai, những đăm chiêu trí tuệ và cả những tò mò khám phá...

Theo từ điển Wikipedia, cà phê là một loại thức uống màu đen có chứa chất caffein và được sử dụng rộng rãi, được sản xuất từ những hạt cà phê được rang lên, từ cây cà phê. Cà phê được sử dụng lần đầu tiên vào thế kỉ thứ 9, khi nó được khám phá ra từ vùng cao nguyên Ethiopia. Từ đó, nó lan ra Ai CậpYemen, và tới thế kỉ thứ 15 thì đến Armenia, Persia, Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Châu Phi. Từ thế giới Hồi giáo, cà phê đến Ý, sau đó là phần còn lại của Châu Âu, Indonesia. Ngày nay, cà phê là một trong những thức uống thông dụng toàn cầu.
Nụ cười cà phê
Hiện nay, cây cà phê được trồng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước xuất khẩu cà phê. Hạt cà phê được lấy từ hạt của các loài cây thuộc họ cà phê (Rubiaceae). Ba dòng cây cà phê chính là Coffea arabica (Cà phê Arabica) – cà phê chè – và Coffea canephora (Robusta) – cà phê vối cà phê mít - Coffea excelsa – với nhiều loại khác nhau. Chất lượng hay đẳng cấp của cà phê khác nhau tùy theo từng loại cây, từng loại hạt và nơi trồng khác nhau. Cà phê Robusta được đánh giá thấp hơn so với cà phê Arabica do có chất lượng thấp hơn và giá cả theo đó cũng rẻ hơn. Loại cà phê đắt nhất và hiếm nhất thế giới tên là Kopi Luwak (hay "cà phê chồn") của IndonesiaViệt Nam. Đây không phải là một giống cà phê mà một cách chế biến cà phê bằng cách dùng bộ tiêu hóa của loài cầy. Giá mỗi cân cà phê loại này khoảng 20 triệu VND (1300 USD) và hàng năm chỉ có trên 200 kg được bán trên thị trường thế giới.

 Không giống như các loại đồ uống khác, chức năng chính của cà phê không phải là giải khát, mặc dù người dân Mỹ uống nó như thức uống giải khát. Nhiều người uống nó với mục đích tạo cảm giác hưng phấn. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2005 của nhà hoá học Mỹ Joe Vinson thuộc Đại học Scranton thì cà phê là một nguồn quan trọng cung cấp các chất chống ôxi hóa (antioxidant) cho cơ thể, vai trò mà trước đây người ta chỉ thấy ở hoa quả và rau xanh. Những chất này cũng gián tiếp làm giảm nguy cơ bị ung thư ở người.

Tất nhiên ai cũng hiểu cà phê ngon nó không chỉ ở chất lượng ly cà phê, mà còn phụ thuộc vào gu khách uống, vào không gian, văn hóa, không khí, thói quen... bởi nếu chỉ cần chất lượng, thì rất nhiều người dư khả năng bỏ chục triệu bạc mua nửa cân cà phê chồn hảo hạng về tự pha. Thế mà số người làm thế rất ít, nếu không muốn nói là không có. Cũng nói luôn, với tư cách là một người nghiện cà phê sáng hơn một phần tư thế kỷ nay, tôi nghi ngờ cái gọi là cà phê chồn mà các quán thi thoảng trưng ra. Tất nhiên là có, nhưng không nhiều đến mức đi đâu cũng có, quán nào cũng giới thiệu trong menu. Theo tài liệu mà tôi dẫn trên kia thì mỗi năm cả thế giới chỉ có chừng hai trăm ki lô gam cà phê chui qua đít chồn trở thành đặc sản cho con người, khiến cho con người có thể vênh mặt khoe với bạn cái thú chơi cầu kỳ quái đản nhưng chưa chắc đã ngon (vì đã mấy ai được uống đâu?). Lại nhớ cụ Nguyễn Tuân sáng chế ra loại rau muống cạn bằng cách cắt sát đất đi rồi lấy cái vỏ ốc nhồi úp lên để khi nó lên thì cứ non nhểu trắng hếu cuộn tròn trong vỏ ốc. Thì cụ nghĩ ra thế, tả ra thế, viết ra thế, chứ những người sành ăn nói ngay rằng nó không ngon, nó không còn là rau muống nữa, nhưng vẫn phục sự tưởng tượng của cụ, thế thôi.

Đọc văn học Anh, Nga, Pháp... thấy nhắc đến những quán cà phê đầy ấn tượng. Nơi này Gô Gôn đã ngồi, chỗ nọ Ban Zăc đã duỗi chân, bàn đằng kia là Đich Ken kê bút... chao ơi là sung sướng ngất ngây con gà tây, chỉ mong ước một lần đến. Rồi trong nước những là cà phê Lâm, cà phê Giảng, cà phê Quỳnh Bát Đàn ở Hà Nội, cà phê Thọ, cà phê Chiều, cà phê Bến Nghé ở Huế, rồi những gì gì cà phê mà nhắc đến địa danh ấy là người ta nhớ ngay đến quán cà phê ấy. Bởi nghĩ cho cùng, đến một nơi lạ, sau một ngày khám phá thăm thú, thì buổi tối việc duy nhất tao nhã mà ta làm là kiếm một quán cà phê nổi tiếng, ngồi nhâm nhi thư giãn và ngẫm nghĩ. Nổi tiếng không có nghĩa là to lớn hiện đại, mà là bản sắc và thời gian, là cái gu cái không khí, là cái tinh tế dịu nhẹ tôn trọng khách, gần gũi thân thiện và lại cởi mở khát khao, vậy nên nhiều quán "nổi tiếng" mà nhiều khi chỉ kê vừa đủ 4 cái bàn nhỏ cho chưa đầy hai chục người ngồi...

Cái tiếng nhiều khi nó vượt qua chất lượng. Tôi đã uống cà phê Lâm Hà Nội. Quán cà phê này nổi tiếng khiến bất cứ ai đã đến Hà Nội là phải tìm đến. Nhưng chất lượng cà phê không đi cùng với cái danh. Bù lại đến đây ta gặp rất nhiều danh tiếng chữ nghĩa Hà thành túm tụm, lưng cọ lưng, vai kề vai vì... quán chật. Nơi đây các danh họa Việt Nam Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... đã ngồi mòn hết cả thời tuổi trẻ của họ. Ngồi tán gẫu rồi hứng lên là vẽ, có gì vẽ nấy. Vẽ xong để lại cho chủ quán... gán nợ. Về sau ông Lâm này trở thành nhà sưu tập tranh nổi tiếng Việt Nam. Bây giờ nơi đây vẫn đông các "hảo thủ", các danh nhân Hà thành sáng sáng đến... hành lễ cà phê.

Thì ra cà phê nổi tiếng có khi lại nhờ vào... khách uống.

Nhớ có hồi cà phê Trăng ngàn đường Trần Hưng Đạo Pleiku rất đông nhà văn nhà báo tụ tập mỗi sáng. Cứ lần lượt đến rồi đi, ai đến sau trả tiền. Sau này ông chủ đi ra nước ngoài, quán sửa lại, tự nhiên cánh nhà văn nhà báo lảng đi đâu cả. Trước đấy là Kim Liên. Ông Giáp chủ quán Kim Liên là người đã gắn cả cuộc đời với cái danh Kim Liên, không biết vô tình hay hữu ý, nhưng có một thời, bất cứ văn nghệ sĩ nào đến Pleiku đều được ông mời về nhà, nhẹ nhàng thì cữ cà phê sáng, nặng hơn đậm hơn thì đãi cơm rượu. Các ông Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi... đã đến đây, các vị Trần Thu Hà, Trần Tiến, Nguyễn Chánh Tín, Trần Hiếu... đã ghé đây. Cũng không hiểu trong nhà ông có ý thức sưu tập không, chứ cứ mỗi ông mỗi bà đến ông chụp một kiểu ảnh thì giờ cũng kha khá một gian trưng bày lớn.

Cũng không dễ gì để trở thành một "môn đồ" cà phê, nhưng đã nghiện nó rồi, tôi còn thêm một kênh cảm xúc là tự hào về nó...

Văn Công Hùng

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Vài dòng viết vội


Mấy ngày nay theo dõi thảm họa động đất tại Nhật Bản với thương vong và mất tích lên tới hàng ngàn người, tôi lại chợt nhớ tới những người dân quê tôi ở miền Trung, những người mà năm nào cũng phải hứng chịu biết bao nhiêu trận lũ lụt, đặc biệt là trận lụt lịch sử năm ngoái. Vẫn biết thiên tai là khó tránh khỏi, chỉ có cách giảm nhẹ nó thôi, vậy mà tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng và xót xa khi nghĩ về những cảnh đời như vậy. Họ đang ở trong cảnh màn trời chiếu đất. Họ mất người thân, nhà cửa, của cải, sự nghiệp. Họ mất tất cả... Than ôi, những người dân Nhật hay Việt có khác gì nhau đâu. Tôi thèm được nghe một bài hát trong lúc này, và tôi đã tìm thấy: "Yêu quê hương thương ngập mùi biển cát/Lo miếng cơm rấm rát giọt mồ hôi/Buổi chia tay chợt đắng chát bờ môi/của những người con “hào quang tứ xứ”...

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Phúc - Lộc - Thọ, các cụ là ai?

Theo truyền thuyết của người Hoa Hạ, ông Lộc là một quan tham chuyên ăn của đút lót. Ông Thọ lại là vị quan thực dụng, ưa xu nịnh vua để được ban thưởng, trong dinh của ông cung nữ nhiều chẳng kém ở cung vua. Chỉ có ông Phúc là quan thanh liêm, ngay thẳng, con cháu đề huề.

Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, ở đâu ta cũng gặp các cụ Phúc, Lộc, Thọ. Các cụ thường được đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách, trên nóc tủ chè, có nhà còn làm cả bàn thờ rõ đẹp để thờ ba cụ cầu mong được phúc, được lộc, được thọ. Người sang thì có cả ba cụ bằng gốm Tàu rõ to, rõ đẹp. Người tầm tầm thì bằng gỗ pơ-mu hoặc sứ Bát Tràng...

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Hình như là thơ


Tiếng chuông giao mùa đã điểm
12h00
Đêm
riêng anh
với cơn nhớ xé lòng
Gặm nhấm
nỗi buồn quen…
bất chợt
ngủ
trong mùi hoa hương em…

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Ông Tây "phải lòng" văn hóa Việt

Nhà thơ John Balaban
NDĐT- John Balaban, một nhà thơ đến từ nước Mỹ. Thật đặc biệt, trong dòng máu của người đàn ông này từ khi sinh ra dường như đã sẵn có một tình yêu mãnh liệt dành cho văn hoá Việt Nam. Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài lãng tử, với một nụ cười đầy thiện cảm với người đối diện, ít ai biết được John Balaban đã mê mải thế nào với những áng thơ ca và những nét văn hoá độc đáo trên đất nước hình chữ S này.